Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu công khai ý định thôn tính Thung lũng Jordan trong một cuộc vận động tranh cử.

Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu lại vừa có một tuyên bố khiến nhiều quốc gia lập tức lên tiếng phản đối khi công khai ý định sáp nhập Thung lũng Jordan tại vùng lãnh thổ Bờ Tây hiện do Israel chiếm đóng nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Đây chắc sẽ không phải là tuyên bố suông của ông Netanyahu để lấy lá phiếu của cử tri bởi Israel đã tạo được những tiền lệ của một chủ nghĩa bành trướng kiểu mới trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng.

Trong khi mọi nỗ lực nhằm ổn định tình hình Trung Đông và xây dựng nền hòa bình giữa Israel và Palestine không làm cho bức tranh hòa bình, ổn định ở khu vực này sáng lên thì năm 2017 Israel tuyên bố chuyển thủ đô về Jerusalem. Mỹ ngay lập tức lên tiếng ủng hộ, chuyển Đại sứ quán về Jerusalem năm 2018 rồi sáp nhập Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem - phái bộ chuyên trách về Palestine - vào Đại sứ quán này tháng 3-2019, chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Israel chiếm khu vực trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Nghị quyết 181 của Liên hợp quốc (LHQ) đặt Jerusalem dưới sự quản lý quốc tế, không thuộc lãnh thổ Israel. Do vậy, bước đi này của Israel bị rất nhiều quốc gia, kể cả Tổng thư ký LHQ phản đối. Thế nhưng, mọi điều chỉ trích hay lên án đều không thay đổi được thực tế: Israel đang là “ông chủ của Jerusalem”.

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2019, dưới sự lãnh đạo của ông Netanyahu, Israel tiếp tục tuyên bố chủ quyền với cao nguyên Golan, vùng đất mà theo luật pháp quốc tế được coi là vùng lãnh thổ "bị chiếm đóng" kể từ khi Israel chiếm đoạt từ Syria vào năm 1967. Quyết định này của Israel tiếp tục bị cộng đồng quốc tế, trong đó có Syria và đặc biệt là Liên Hợp quốc, phản đối mạnh mẽ. Thế nhưng, Mỹ lại tiếp tục “chống lưng” cho Israel khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel với vùng đất này. Thế là, “sự đã rồi” và Israel lại lấn tới.

Với những tiền lệ mới dựng lên như vậy, ý định sáp nhập Thung lũng Jordan tại vùng lãnh thổ Bờ Tây của ông Netanyahu hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực, cho dù ngay khi ý định này được công khai đã bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ.

Trên thực tế, chủ trương thôn tính Bờ Tây của Israel đã có từ lâu, trong bối cảnh chính quyền Israel tiếp tục xúc tiến kế hoạch xây dựng khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, một cuộc thăm dò của tờ Haaretz được thực hiện trước thềm cuộc bầu cử lần thứ nhất cũng cho thấy có 42% cử tri Israel ủng hộ việc thôn tính Bờ Tây. Ngày 17-9 Israel tiến hành bầu cử, nhưng cho dù ai hay đảng nào giành thắng thì chính sách của Israel với các nước trong khu vực sẽ không có nhiều thay đổi.

Những hành động về lãnh thổ kể trên của Israel có thể tạo ra tiền lệ xấu ở khu vực cũng như trên thế giới khi một bên sử dụng sức mạnh quân sự hay kinh tế của mình để thực thi những chính sách bành trướng lãnh thổ và khai thác tài nguyên bằng cách “ỷ mạnh hiếp yếu”. Thế nhưng, với tiền lệ đã có của một chủ nghĩa bành trướng kiểu mới và phớt lờ sự lên án của cộng đồng quốc tế, Israel vẫn có thể “nhắm mắt làm ngơ” để thực hiện toan tính của mình.

Ngọc Hưng