Bên cạnh những mối quan tâm của báo chí, của dư luận cả nước và người tố cáo về những sai phạm ở Tổng công ty vật tư nông nghiệp (VIGECAM) trong thời gian qua được Thanh tra Chính phủ làm rõ từ năm 2010, nhưng đến cuối năm 2011, dư luận lại được phen giật mình về việc thông tin bằng bổ túc văn hóa 10/10 của Tổng giám đốc Nguyễn Đức Phong do Ban cán sự Đảng bộ Bộ NN&PTNT khi báo cáo lên Ủy ban kiểm tra T.Ư hoàn toàn không giống những gì kết luận của thanh tra đã làm rõ…
Làm việc với TTCP một đằng…
Theo Kết luận số 2613/KL-TTCP ngày 1-9-2010 của Thanh tra Chính Phủ (TTCP) từ kết quả kiểm tra, xác minh, TTCP thấy Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT do ông Vũ Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ năm 2008 có ký Văn bản số 2459/BNN-TCCB về giải quyết đơn thư kiến nghị phản ánh “ông Nguyễn Đức Phong chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, giả mạo giấy tờ để vào học Đại học tại chức Đại học Ngoại Thương”. Văn bản này của Bộ NN&PTNT khẳng định “đơn kiến nghị không đúng”. Tuy nhiên, khi TTCP kiểm tra, xem xét hồ sơ xác minh của Bộ NN&PTNT và trực tiếp làm việc với một số cơ quan liên quan thì lộ rõ việc “Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT chưa kiểm tra, làm rõ nhưng đã kết luận nội dung đơn kiến nghị là không đúng, dẫn đến việc người tố cáo nghi ngờ Bộ NN&PTNT bao che cho ông Phong là có cơ sở”.
Bằng chứng là xác minh của TTCP thể hiện ở trong bản Kết luận thanh tra số 2613 cho thấy:
-
Tại biên bản làm việc ngày 25-10-2010 giữa Đoàn thanh tra và Trường Đại học Ngoại Thương xác nhận “ngày 8-1-2008, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Phó trưởng khoa Đào tạo và Bồi dưỡng tại chức xác nhận theo đề nghị của Đoàn cán bộ Vụ tổ chức cán bộ Bộ NN&PTNT để phục vụ công tác quy hoạch, về trường hợp của sinh viên Nguyễn Đức Phong thì tại thời điểm xác nhận trường Đại học Ngoại Thương không còn lưu giữ hồ sơ… Ban giám hiệu đã yêu cầu ông Tuân giải trình và ông Tuân chỉ cung cấp được Giấy chứng nhận (cấp lại) ngày 17-3-2008 của Trường Quân sự - Quân đoàn 3… Theo qui chế tuyển sinh của Bộ GDĐT thì Trường Đại học Ngoại Thương không thu và lưu giữ bằng gốc tốt nghiệp cấp III, bộ phận tuyển sinh chỉ đối chiếu bằng gốc rồi trả lại chứ không lưu giữ bằng gốc của sinh viên”.
-
Tại Biên bản xác minh ngày 3-6-2010 giữa Đoàn thanh tra và Trường Quân sự xác nhận “ Trường Quân sự - Quân đoàn 3 (trước đây là Trường Quân chính Quân đoàn 3) không có thẩm quyền cấp bằng bổ túc văn hóa PTTH cho học viên học tại trường. Việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp bổ túc PTTH thuộc thẩm quyền của Cục Nhà trường – Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (BTTM). Trường Quân sự không có hồ sơ học bổ túc văn hóa của ông Nguyễn Đức Phong vì năm 1984, Trường Đảng văn hóa – Quân đoàn 3 chưa sáp nhập về Trường Quân chính Quân đoàn 3 mà đến tháng 4-1987 mới sáp nhập về Trường Quân chính Quân đoàn 3”.
-
Tại biên bản làm việc ngày 20-7-2010 giữa Đoàn thanh tra với ông Nguyễn Ngọc Bảo, nguyên chủ nhiệm khoa Đại học tại chức Đại học Ngoại Thương thay cho nội dung đơn xác nhận ngày 26-4-2010 ghi nhận “ … khi nhận hồ sơ đầu vào của toàn bộ học viên kháo 11 trong đó có học viên Nguyễn Đức Phong, khi đó tôi nhớ có Giấy chứng nhận (có dấu đỏ xác nhận) đã học hết chương trình bổ túc văn hóa cấp 3 của trường gì đó trong quân đội do thời gian quá lâu, hồ sơ tuyển sinh đã hủy nên không có tài liệu cung cấp cho Đoàn thanh tra… Khi đó ông Phong khai là chiến sĩ thuộc Quân đoàn 3 đoáng quân tại Vị Xuyên và Tây Nguyên thời gian 3 năm nên đối chiếu với qui định theo Thông tư 256/TT-ĐTTC ngày 17-4-1990 của Bộ GDĐT thì ông Phong đủ tiêu chuẩn về văn hóa… để dự thi vào đại học hệ tại chức…”.
-
Văn bản số 734/NT-B1 ngày 5-8-2010 của Cục Nhà trường, BTTM xác nhận “ trong danh sách cấp bằng tôt nghiệp từ tháng 7-1984 đến tháng 7-1985, tại Hội đồng thi Trường Văn hóa Quân đoàn 3, không có thí sinh nào tên là Nguyễn Đức Phong và cũng không có tên Trường kỹ thuật Quân chính Quân đoàn 3”.
-
Xác nhận của ông Nguyễn Đức Phong, Tổng giám đốc VIGECAM ngày 9-6-2010 gửi Đoàn thanh tra “ năm 1984-1985, tôi được đơn vị cử đi học bồi dưỡng kiến thức văn hóa, ôn thi tại trường Đảng - Văn hóa, Kỹ thuật - Hậu cần, trường Quân chính nay là trường Quân sự Quân đoàn 3. Bản thân tôi không được cấp bằng tốt nghiệp 10/10 hệ bổ túc văn hóa, đơn vị đã cấp cho tôi một Giấy chứng nhận học lực cấp 3 hệ bổ túc văn hóa tại Quân đoàn”.
Từ những nội dung nêu trên, TTCP kết luận: “Chịu trách nhiệm trong việc kết luận không đúng tại Văn bản số 2459/BNN-TCCB ngày 22-4-2008 về giải quyết đơn kiến nghị phản ánh là ông Vũ Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ TCCB, Bộ NN&PTNT.” TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý “giao Bộ GDĐT xem xét việc thực hiện qui định của pháp luật trong việc tuyển sinh đầu vào hệ tại chức trường Đại học Ngoại Thương của ông Nguyễn Đức Phong”.
Cung cấp cho Bộ NN&PTNT một nẻo.
Ngày 11-11-2011, Ban cán sự Đảng bộ Bộ NN&PTNT có Văn bản số 168 BCS-BC phúc đáp Công văn số 625/CV/UBKTTW ngày 4-10-2011 của UBKT Trung ương về việc báo cáo kết quả giải quyết đơn của công dân “phản ánh về đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó bí thư, TGĐ VIGECAM và đề nghị xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan đến những sai phạm tại VIGECAM theo kết luận của TTCP”. Theo đó, Bộ NN&PTNT báo cáo về bằng cấp của ông Nguyễn Đức Phong dựa trên xác minh mới của Cục Nhà trường, BTTM và trường Quân sự Quân đoàn 3 nội dung hoàn toàn không giống những gì 2 đơn vị này đã làm việc với TTCP trước đây.
Cụ thể, báo cáo 168 của Bộ NN&PTNT nêu “Ngày 11-10-2011 Đảng ủy Bộ NN&PTNT có Công văn số 275/CV-ĐU đề nghị Cục Nhà trường, BTTM xác minh việc học bổ túc văn hóa của ông Nguyễn Đức Phong. Ngày 13-10-2011, Cục Nhà trường có Văn bản số 1074/NT-B1 yêu cầu Trường Quân sự Quân đoàn 3 báo cáo. Trường Quân sự có Văn bản số 817/BC-TQS ngày 19-10-2011 xác định nội dung Giấy chứng nhận 244/GCN-TQS ngày 3-3-2006 là đúng và Trường Đảng – Văn hóa, Trường Hậu cần kỹ thuật Quân đoàn 3 trước kia là 2 trường riêng trực thuộc Quân đoàn 3 được sáp nhập vào Trường Quân sự Quân đoàn 3 hiện nay. Đồng thời, trên cơ sở báo cáo của Trường Quân sự, Cục Nhà trường có Văn bản số 1143/NT-B1 ngày 28-10-2011 về việc xác minh Giấy chứng nhận học bổ túc văn hóa số 244/GCN-TQS ngày 3-3-2006 của cựu quân nhân Nguyễn Đức Phong tại trường Quân sự Quân đoàn 3 hiện nay được sáp nhập từ các trường: Trường Quân chính, Trường Đảng - Văn hóa và Trường Hậu cần Kỹ thuật là đúng”.
Trong một văn bản khác PV thu thập được, báo cáo của Trường Quân sự Quân đoàn 3 lý giải: “ Do thời gian sáp nhập đã lâu và phải di chuyển trên nhiều địa bàn từ Bắc vào Nam nên quá trình di chuyển và bàn giao hồ sơ, giấy tờ, sổ sách bị thất lạc. Do đó Trường Quân sự Quân đoàn 3 không còn lưu hồ sơ về danh sách học viên đã học bổ túc văn hóa tại trường trong giai đoạn từ năm 1984 đến năm 1985... Việc cấp Giấy chứng nhận 244/GCN-TQS, Nhà trường căn cứ vào xác nhận của cán bộ giáo viên đã quản lý và giảng dạy lớp bổ túc văn hóa năm 1984, 1985 để cấp Giấy chứng nhận cho ông Phong”. Bên cạnh đó, Cục Nhà trường có Văn bản số 1167/NT-KH ngày 3-11-2011 xác nhận,“…quá trình công tác trong quân đội, đồng chí Nguyễn Đức Phong đã được học bổ túc văn hóa hết chương trình cấp 3 tại Trường Quân chính Quân đoàn 3 (nay là Trường Quân sự Quân đoàn 3). Thời gian từ tháng 7-1984 đến tháng 7-1985. Kết quả được xếp học lực loại khá. Cục Nhà trường xác nhận việc Trường Quân sự Quân đoàn 3 lưu hồ sơ và cấp giấy chứng nhận học hết chương trình cấp 3 cho quân nhân đã được học bổ túc văn hóa tại nhà trường là đúng phân cấp, đúng chức năng và thẩm quyền của nhà trường”.
Từ việc Trường Quân sự Quân đoàn 3 và Cục Nhà trường có những văn bản vào thời điểm cuối năm 2011 xác minh việc học bổ túc văn hóa của ông Nguyễn Đức Phong, cung cấp cho Bộ NN&PTNT rõ ràng không giống những gì mà trước đây Cục Nhà trường và Trường Quân sự làm việc, cung cấp cho TTCP như trích dẫn ở trên. Dư luận cũng như người tố cáo cho rằng, tại sao lại có chuyện cung cấp thông tin “tiền hậu bất nhất”, không nhất quán của Cục Nhà trường và Trường Quân sự? Và không nhẽ, kết luận của TTCP đã bị bỏ ngoài cuộc khi mà Bộ NN&PTNT chỉ căn cứ vào những văn bản xác minh mới của Cục Nhà trường và Trường Quân sự để báo cáo lên UBKT Trung ương?
Điểm quan ngại nhất ở đây, có luồng dư luận nhìn nhận phải chăng việc làm trên của Bộ NN&PTNT cũng như của Cục Nhà trường và Trường Quân sự đã làm đảo ngược lại kết luận của TTCP để cứu cho ông Phong thoát tội? Nhiều người cũng nghĩ đây như là một cuộc thanh tra ngược, cấp dưới thanh tra lại cấp trên bởi kết luận TTCP rất rõ ràng và cụ thể, nhưng những gì mà Ban cán sự Đảng bộ Bộ NN&PTNT báo cáo lên UBKT Trung ương lại chỉ dựa vào báo cáo mới của Cục Nhà trường và Trường Quân sự - hai đơn vị từng bị TTCP “truy vấn” cũng chính về việc bằng cấp của TGĐ VIGECAM Nguyễn Đức Phong vào năm 2010. Và liệu đây có phải là “vết xe đổ” ở Văn bản số 168 BCS-BC của Ban cán sự Đảng bộ Bộ NN&PTNT xảy ra giống như Văn bản số 2459/BNN-TCCB ngày 22-4-2008 về giải quyết đơn kiến nghị phản ánh được kí bởi ông Vũ Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ TCCB, Bộ NN&PTNT trước đây? Điều lạ nhất trong vụ việc bằng cấp của vị TGĐ VIGECAM Nguyễn Đức Phong là khi có đơn tố cáo và các cơ quan chức năng vào cuộc thì mới phát hiện nhiều bất thường và có sự trùng lập “bất ngờ” là hồ sơ gốc nơi nào cũng nói đã bị thất lạc? Sau đó ông Phong được cấp lại Giấy chứng nhận bổ túc văn hóa 10/10 dựa vào trí nhớ của một số cán bộ…
Doanh Chính – Lê Thanh