Tối 20-9, Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 19-9 đến 17 giờ ngày 20-9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.681 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 8.668 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.357 ca so với ngày trước đó và là mức thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây) tại 38 tỉnh, thành phố (có 6.154 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (5.171), Bình Dương (1.410), Đồng Nai (869), Long An (268), Tiền Giang (211), Kiên Giang (175), Đắk Lắk (113), An Giang (100), Cần Thơ (48), Quảng Bình (35), Tây Ninh (32), Bình Thuận (28), Đắk Nông (27), Bình Định (23), Khánh Hòa (19), Đồng Tháp (19), Quảng Ngãi (16), Phú Yên (15), Hậu Giang (10), Cà Mau (10), Hà Nội (9), Ninh Thuận (9), Bạc Liêu (8 ), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Bình Phước (5), Thừa Thiên Huế (5), Sóc Trăng (5), Vĩnh Long (4), Hà Nam (3), Đà Nẵng (3), Quảng Nam (3), Thanh Hóa (2), Trà Vinh (1), Lâm Đồng (1), Bến Tre (1), Quảng Trị (1), Gia Lai (1), Bắc Ninh (1).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.160 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 695.744 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.070 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 691.285 ca, trong đó có 459.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Tĩnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (341.699), Bình Dương (179.705), Đồng Nai (40.842), Long An (30.596), Tiền Giang (13.270).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.821
Tổng số ca được điều trị khỏi: 464.326
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.305 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Trong ngày 19-9 có 432.575 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 34.553.590 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.913.529 liều, tiêm mũi 2 là 6.640.061 liều.
*Chiều 20-9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh cùng Đoàn công tác đã đến thăm, động viên và tặng quà các em nhỏ có người thân mất do dịch Covid-19 nhân dịp Tết Trung thu.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và Đoàn Công tác cũng đã đến thăm Trung tâm H.O.P.E (đặt tại Trường Mầm non Sao Mai, Quận 5, TP Hồ Chí Minh) - nơi đang chăm sóc gần 50 bé sơ sinh có mẹ bị mắc Covid-19 đã và đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP Hồ Chí Minh).
* Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 12 giờ ngày 20-9 đến 18 giờ ngày 20-9, ghi nhận 3 ca bệnh tại khu cách ly.
Các ca bệnh phân bố theo quận, huyện: Hoàng Mai (3)
Ca bệnh phân bố theo chùm: Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt (3).
Như vậy tính từ 18 giờ ngày 19-9 đến 18 giờ ngày 20-9, thành phố ghi nhận 9 ca trong đó: 1 ca tại cộng đồng, 2 ca tại khu phong tỏa, 6 ca tại khu cách ly.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4): 3.931 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.598 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.333 ca.
* Ngày 20-9, Bộ Y tế đã có văn bản số 7820/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về nội dung liên quan đến khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Tại văn bản này, Bộ Y tế cho biết đã nhận được Công văn số 8758/UBND-VHXH ngày 3-9-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An và Công văn số 6530/SYT-NVY ngày 12-9-2021 của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề xuất việc rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.
Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1 (tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26-7-2021 và Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27-7-2021 của Bộ Y tế).
Do đó, tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho Ủy ban nhân nhân tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.
* Ngày 20-9, hai xe xét nghiệm lưu động do Bộ Y tế hỗ trợ cho Tiền Giang đã chính thức được đưa vào hoạt động tại các điểm nóng trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cùng với việc hỗ trợ về các trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác xét nghiệm, 2 cán bộ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã được điều động hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế tại Tiền Giang làm quen với trang thiết bị và đảm bảo công tác vận hành cho các xe.
Sở Y tế Tiền Giang cho biết, ngay sau khi được bàn giao 2 xe xét nghiệm lưu động, tỉnh đã giao cho các nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, phối hợp cùng với các chuyên gia của viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý và vận hành.
GIA KHÁNH