“Nỗi buồn chiến tranh”, tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh, ngay từ khi xuất bản đã gây ra những cuộc tranh luận, tranh cãi dữ dội về giá trị của tác phẩm. Tiểu thuyết đã giành được nhiều giải thưởng văn học danh giá của nước ngoài, được giới nghệ thuật đánh giá là đã “chạm vào mẫu số chung của nhân loại”.

Tôi thuộc thế hệ 7X, thế hệ không còn biết đến chiến tranh. Bố là sĩ quan cấp cao của Quân đội, mẹ là giáo viên. Đại gia đình tôi có thể lập thành một Đảng bộ. Ba thế hệ đều là đảng viên 100%. Nói thế để thấy, về lập trường, quan điểm, tôi thuộc hạng “cộng sản 100%”.

Chính vì thế mà trước đây, tôi đọc “Nỗi buồn chiến tranh” xong, giận ông nhà văn Bảo Ninh đến tím ruột gan. Bộ mặt tàn khốc của chiến tranh, hình tượng méo mó về người lính Giải phóng trong tác phẩm, thật là không thể chấp nhận được.

Tôi từng nghĩ, cứ cho đó là sự thật, hiện thực mà Bảo Ninh đã biết, đã trải qua, thì nó chỉ là những cá nhân, hiện tượng dị biệt, không nên viết lại, kể lại, vì nó sẽ đem đến một cái nhìn méo mó về bộ đội - anh Giải phóng quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thậm chí, có thể coi đó là tội ác. Bởi thế hệ mai sau đọc tác phẩm, nếu thiếu bản lĩnh, sẽ có cái nhìn sai lệch hoàn toàn về những người lính Cụ Hồ.

Nhưng rồi, nghề báo đã giúp tôi được gặp rất nhiều CCB. Tôi đã từng cùng họ đi tìm đồng đội khắp tỉnh Quảng Trị và dọc đường Trường Sơn. Tôi cũng từng cùng họ đi theo tuyến đường 1C ở miền Tây Nam Bộ - “con đường máu” mà đồng chí Lê Duẩn gọi là “Nơi sắt thép cũng phải tan chảy nhưng người cộng sản lại đi qua được”.

Ở đó, trong những đêm đốt lửa “hát cho đồng đội nghe”, tôi đã được các CCB kể cho nghe về sự ghê rợn của chiến tranh; nghe cả về những người lính Giải phóng quân vì không vượt qua được thú tính mà hiếp dâm đồng đội nữ, hiếp dâm nữ thanh niên xung phong; nghe kể về những kẻ phản bội, đầu hàng địch và ngồi lên máy bay địch dụ hàng đồng đội... Đó là những câu chuyện rất cá biệt. Trong đội hình hàng nghìn, hàng vạn con người trong mỗi trung đoàn, sư đoàn, đều có những câu chuyện cá biệt đau lòng như vậy.

Vậy thì thế hệ trẻ hiện nay và mai sau có cần biết đến hiện thực đó không? Tôi cho rằng có.

Một thế hệ người lính đã tạc vào thế kỷ XX như những người anh hùng, như một biểu tượng văn hóa tươi đẹp nhất, kết tinh nhất của dân tộc. Đó là hiện thực không thể phủ nhận. Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa dân tộc. Tuy vậy, những hiện tượng cá biệt, biến dạng của người lính trong chiến tranh cũng cần được nhắc đến như một bài học cảnh tỉnh cho thế hệ trẻ.

Gần đây, trong xã hội đã có ý kiến của những nhà nghiên cứu, nhà quản lý “thắc mắc” rằng lương của cán bộ Quân đội quá cao so với đội ngũ công chức nói chung. Những người đó, chắc chắn không hiểu gì về tính đặc thù của lao động quân sự. Tôi từng ngồi tranh luận với một vị có hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ hành chính công. Lý luận đông tây kim cổ thì tôi không bằng vị ấy, nên khi tranh luận, vị ấy dẫn ra rất nhiều luận điểm, luận cứ, luận chứng để chứng minh quan điểm rằng lương sĩ quan Quân đội hiện quá cao với mặt bằng chung. Lý luận vậy nhưng vị này không hiểu một tí gì về Quân đội (chứ chưa nói gì đến chiến tranh). Tôi chốt hạ bằng một lời mời: “Nếu anh thấy như thế thì anh có sẵn lòng cho con trai anh nhập ngũ không?” thì vị ấy đã không trả lời.

Từ câu chuyện với vị phó giáo sư này, cho thấy việc giáo dục công dân ở một đất nước đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát bởi chiến tranh như Việt Nam, chúng ta làm chưa tốt.

Vì thế, “Nỗi buồn chiến tranh” nếu được định hướng tốt về cách tiếp cận, thì sẽ là một tác phẩm có giá trị trong giáo dục công dân về chiến tranh. Lâu nay, chúng ta đã nỗ lực đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử, nhưng giáo dục lịch sử bằng văn học, con đường cơ bản, hiệu quả nhất thì chúng ta lại chưa đổi mới được là bao, nếu không muốn nói là chưa chịu đổi mới.

Một trong những nguyên nhân của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” chính là do không hiểu đầy đủ hiện tượng, sự vật.  

Thanh Nội