Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 (dưới đây gọi tắt là Dịch) gây ra khởi đầu từ T.P Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối tháng 12-2019.

Việt Nam là nước có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400km chung với Trung Quốc và quan hệ giao thương giữa hai nước rất lớn. Đặc biệt do đặc điểm  địa hình mà có hàng chục nghìn học sinh, người lao động của nước này tại nước kia cùng hàng vạn khách du lịch qua lại mỗi tháng, trong đó khách du lịch người Trung Quốc đến Việt Nam là chủ yếu. Vì vậy, việc lây nhiễm  Dịch  vào Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, Việt Nam lại là nước được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là nước phòng dịch tốt nhất. Tính đến 24-2, đã có 15/16 ca bị nhiễm dịch ở nước ta đã được chữa khỏi, 1 ca sắp ra viện và trong 10 ngày liên tục không phát hiện có ca lây nhiễm mới; hầu hết các tỉnh đã công bố hết dịch, trong khi trên thế giới đã có trên 70.000 người nhiễm  Dịch và đã có hơn 2.000 ca tử vong (Trung Quốc có số ca nhiễm và tử vong cao nhất)

Dịch lây nhiễm vào Việt Nam đúng vào dịp Tết Nguyên đán - thời điểm mà số người Việt Nam về ăn tết khá đông. Sau Tết, số người Trung Quốc về quê ăn Tết trở lại Việt Nam càng đông hơn. Ca nhiễm vi rút Corona đầu tiên ở Việt Nam chính là người Trung Quốc - ông Li Zing và con trai là Li zichao, được Bệnh viện Nhiệt đới T.P Hồ Chí Minh phát hiện ngày 22-1.  

Đây cũng là mùa lễ hội đầu năm, nên du khách nước ngoài vào Việt Nam và khách nội địa tăng vọt. Nhiều người trong nước, nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo lắng, liệu Việt Nam có thoát khỏi tình trạng bùng phát dịch hay không?

Nhưng chúng ta đã khống chế Dịch thành công và đủ năng lực phòng chống Dịch.

Thành công của cuộc chiến chống Dịch này là kết quả từ sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cống hiến của Ngành Y tế, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn dân.

Sẽ có những tổng kết đánh giá đầy đủ, nhưng đằng sau những nguyên nhân để giành được thắng lợi này là quan điểm công khai, minh bạch và sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ ngay từ khi Dịch mới bắt đầu lây lan vào nước ta, với tinh thần chống dịch như “chống giặc”.  

Nhân đây nhìn lạị dịch bệnh sởi năm 2013-2014, nước ta đã không khống chế được kịp thời, dẫn đến 100 trẻ em tử vong, mặc dù lúc đầu chỉ có 6 ca lây nhiễm. Nếu khi đó Ngành Y tế sớm thông tin đầy đủ dịch bệnh, công khai về sự lây nhiễm và  đưa ra phác đồ điều trị sớm, lại có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền thì nhiều gia đình đã không phải hoảng loạn đưa con, cháu chen chúc về các bệnh viện tuyến cuối để rồi bị lây chéo, dẫn đến những tổn thất, đau thương trong vụ dịch này.

Mọi sự so sánh đều là khậm khiễng, nhưng rõ ràng không chỉ trong phòng chống dịch bệnh, mà nhìn rộng ra, trong đời sống xã hội, nếu công khai, minh bạch quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp và giá đền bù đất khi giải phóng mặt bằng; nếu có sự chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền thì đã không để xảy ra “vụ Thủ Thiêm” ở T.P Hồ Chí Minh, “vụ Sơn Trà” ở T.P Đà Nẵng và hàng trăm vụ việc liên quan đến đất đai để hàng nghìn người dân kéo nhau đi khiếu kiện và nhiều cán bộ, đảng viên phải kỷ luật, có người phải ra trước vành móng ngựa. Nếu cấp có thẩm quyền công khai, minh bạch trong quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ và cấp trên quyết liệt rà soát, chỉ đạo thì sẽ không có những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất vẫn chui được vào cấp ủy để trong nhiệm kỳ này hàng trăm người do tham nhũng, vi phạm pháp luật bị xử lý, trong đó có hơn 90 người là cán bộ diện T.Ư quản lý.

Công khai, minh bạch và quyết liệt trong chỉ đạo, hành động chống dịch  Covid-19,  không những mang lại kết quả thiết thực, to lớn để đến nay dịch bệnh nguy hiểm này vẫn được chúng ta kiểm soát, không để lây lan, mà còn vun đắp lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế cũng tăng lên. Ngay trên các trang mạng xã hội gần đây cũng chỉ có một số tin nhằm “câu like” đánh bóng tên tuổi hay trục lợi của một vài cá nhân, còn các tổ chức, cá nhân phản động chuyên “chọc ngoáy”, xuyên tạc để ly dán lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền cũng không có “đất” để tung tin xấu độc.

Công khai, minh bạch và chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong phòng, chống Dịch vừa qua chính là  “Nói đi đôi với Làm” - bài học quý thiết thực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở cơ sở, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đỗ Công Huynh