Xóa đói nghèo xây nên diện mạo mới
Bá Thước là một huyện vùng cao, một trong 7 huyện nghèo nhất Thanh Hóa, trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. gồm 3 dân tộc chính cùng chung sống một mái nhà, trong đó dân tộc Mường chiếm 47,2%; dân tộc Thái 31,9%; dân tộc Kinh 16,8% và một số dân tộc anh em khác.
Chủ tịch Hội CCB huyện Bá Thước - Hà Văn Mếnh khẳng định: “Bá Thước bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM với nhiều khó khăn thách thức: Địa bàn huyện rộng, địa hình phức tạp, dân cư ở phân tán tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng và mặt bằng dân trí còn thấp. Về tư tưởng của nhân dân chủ yếu trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước”. Xuất phát điểm thấp, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, năng động, sáng tạo, hiệu quả của Huyện ủy, UBND và MTTQ, sự quan tâm hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh cùng sự vào cuộc của các đoàn thể như Hội CCB, Hội Nông dân, Phụ nữ... cùng hướng về quê hương đồng lòng chung sức, tạo được sức mạnh tổng hợp để Bá Thước từ một huyện nghèo vươn lên đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.
Cuộc sống ở Bá Thước khó khăn hơn những nơi khác, đất canh tác chỉ có những đám ruộng nhỏ chạy ven núi, ven làng. Sau lưng làng, bản là núi đá, không có đất để trồng trọt thêm. Phong trào xây dựng NTM được đón nhận như một cơ hội xóa đói nghèo làm nên diện mạo mới.
CCB Trần Đại Hải ở thôn Trúc, xã Điền Trung, vốn nổi tiếng là “người trồng cây thất bại”. Được mang danh hiệu kỳ lạ này bởi ông đã trồng tới 23 loại cây ăn quả trong trang trại gần 4ha của mình và chỉ đến cây thứ 24 - cây thanh long đỏ mới trụ vững. Từ hai bàn tay trắng, giờ CCB Trần Đại Hải có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ trồng luồng, mía, thanh long đỏ và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện ông là một trong những mô hình CCB vượt khó làm kinh tế giỏi của Bá Thước. Không chỉ sản xuất giỏi, ông còn hướng dẫn kỹ thuật, trợ giúp cây, con giống cho bà con trong thôn và các CCB sản xuất, phát triển kinh tế hộ. Hiện Tổ hợp trồng thanh long ruột đỏ ở Bá Thước tập hợp được 13 CCB là chủ hộ. Chỉ trong hơn một năm, thôn Trúc có thêm 11 hộ thoát nghèo. Ông Hải cho biết: Mía thương phẩm Kim Tân đang là loại cây đem lại tiềm năng xóa đói giảm nghèo cho dân nơi đây. Dọc đường 217, tôi thường bắt gặp những bãi mía Kim Tân tăm tắp, như sắp xếp thành từng khối vuông hai màu xanh - tím thẫm trên đồng ruộng. Xen lẫn vào đó là sắc vàng êm, xanh mướt mềm dịu và hiền hòa của những đám hoa màu, ngô lúa tạo nên ấn tượng của một mùa thu hoạch đem lại ấm no.
Diện mạo Bá Thước đang từng giờ, từng ngày thay da đổi thịt, chất lượng cuộc sống ngày một được nâng cao. Sôi nổi nhất, thành tựu dễ nhìn thấy nhất là chương trình xây dựng NTM ở Bá Thước có một bước tiến mạnh về chất, thành động lực, thành men xúc tác để nhà nhà thi đua, bản làng này thi đua với bản làng kia, xã này thi đua với xã kia, quyết xây dựng Bá Thước thành điểm sáng mạnh về phát triển kinh tế, đẹp đẽ khang trang xóm thôn, làng bản, văn hóa và dân trí được nâng cao. Những xã đạt nhiều tiêu chí NTM như: Điền Lư, Lương Trung, Tân Lập, Điền Trung... là ví dụ sống động cho phong trào xây dựng NTM của Bá Thước. Hết năm 2017, có thêm 5 thôn đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn đạt chuẩn NTM lên 29 thôn, đạt 13,2% tổng số thôn trên toàn huyện. Kết quả của 5 năm xây dựng NTM thể hiện qua các con số: Tổng giá trị sản xuất năm 2017 ước đạt 3.056 tỷ đồng, tăng 16% so với 2012, thu nhập bình quân đạt 19,2 triệu đồng/người/năm, vượt 0,8% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông, lâm nghiệp đạt 7,4%; tổng sản lượng lương thực đạt 35.000 tấn, năng suất lúa tăng lên 51,5 tạ/ha. Tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm 2,99%, chỉ còn 18,73%. So với gần 50% cách đây 5 năm quả là một bước tiến mạnh. Đặc biệt Hội CCB còn có kết quả đáng ghi nhận hơn khi tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên chỉ không còn tới 5%, có tới hơn 60 chi hội đã xóa hoàn toàn hộ hội viên nghèo.

Xuân ấm áp trong nhà tình nghĩa
Chiều muộn, tới thăm anh Hà Văn Tiền ở thôn Đắm, xã Lâm Xa, một hội viên CCB vừa thoát nghèo. Ngồi bên bếp lửa, ăn cùng gia đình một bữa cơm xôi nếp nương đầu vụ chấm muối vừng, lòng nghe như cả mùa gặt đang thơm nức lưng nương. Anh Tiền tâm sự: “Tết này cố gắng sơn sửa, làm đẹp ngôi nhà để đón Tết”.
Căn nhà rộng gần 80m2 được xây nên bởi nghĩa tình của chính quyền, đồng đội giúp cho anh có nơi ăn chốn ở vững chãi. Trước đây, căn nhà cấp 4 của gia đình hư hỏng nặng, gió mưa không biết có thể sập lúc nào. Anh Tuấn - Chủ tịch Hội CCB xã Lâm Xa cho biết: CCB Hà Văn Tiền là hộ nghèo ngay từ khi có chính sách hộ nghèo. Nhà hư hỏng mà anh Tiền không có khả năng sửa chữa, chỉ chắp vá qua quýt ở tạm. Xác định hoàn cảnh cần trợ giúp của anh Tiền, Hội CCB huyện Bá Thước phối hợp cùng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cùng hỗ trợ xây cho anh căn nhà tình nghĩa. Anh Tiền cho biết: Hội CCB huyện trợ giúp 30 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo”, khoản hỗ trợ theo Quyết định 22, các nhà hảo tâm đóng góp được hơn 100 triệu đồng, nhà có một ít, vay mượn thêm bà con, đồng đội xây nên căn nhà trị giá 150 triệu đồng. Anh Tiền xúc động kể với tôi: “Riêng khoản công xây dựng được đồng đội trợ giúp đã đỡ nhiều, phải tới vài mươi triệu đồng. Có nhà cửa ổn định, mọi lo lắng giải tỏa, hết ốm đau, làm ăn tiến tới, thế là thoát nghèo thôi”.
Trong những năm qua, Bá Thước được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành T.Ư, địa phương và các doanh nghiệp thông qua các Chương trình 135, 167... dành cho các huyện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, cùng với nỗ lực tự thân, huyện xây dựng, sửa chữa nâng cấp được hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều hộ diện chính sách, hộ nghèo và cận nghèo đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đáng chú ý, mặc dù với số tiền không lớn dành cho mỗi hộ làm nhà ở mới, nhưng do có sự chung tay, góp sức của chính quyền từ thôn đến xã, của gia đình, dòng họ và bà con thôn, bản, hầu hết các ngôi nhà mới đều được xây dựng khang trang, vững chãi, tường xây gạch, mái lợp ngói hoặc tôn lạnh, với diện tích nhỏ nhất từ 30m2 trở lên. Trong hỗ trợ nhà cho người có công, Hội CCB cũng là một đoàn thể đi đầu. Từ năm 2012, Huyện hội phát động đến các chi hội xây dựng Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để giúp đỡ những hộ gia đình CCB nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất và xóa nhà tranh tre, tạm bợ, với mức đóng góp 200.000 đồng/hội viên/năm. Từ nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, trong giai đoạn 2012-2017, Hội hỗ trợ làm mới 195 ngôi nhà cho hội viên là CCB nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 1.835 triệu đồng. Ngoài mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hội viên, Hội còn huy động các hội viên chung tay đóng góp ngày công, nguyên vật liệu để làm nhà cho các CCB nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động nghĩa tình này đã giúp nhiều hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện an cư lạc nghiệp, vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, góp phần hoàn thành tiêu chí về nhà ở trong xây dựng NTM ở các xã trong huyện.
Dù đã tới khi phải chia tay nhưng thật muốn đi khắp vùng đất này để khám phá, để hưởng thụ giai âm của điệu Mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, để thấy tự hào về nguồn cội của tộc Mường. Tôi xuôi đường về phía thành Nhà Hồ, mang theo bản tình ca xuân Bá Thước ngọt ngào, hân hoan kể lại cho sông Mã nghe suốt con đường xanh mướt về một vùng quê nghèo đang trở mình trỗi dậy làm nên câu chuyện cổ tích của thời đại mới.
Quang Vinh