Anh Lý Hoài ở ấp Xóm Tro thu hoạch khổ qua.
Gia đình chị Sơn Thị Ngọc Hạnh ở ấp Đại Nghĩa, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, trước đây thiếu vốn sản xuất, nhưng nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Xuyên, gia đình chị đã thoát nghèo, xây nhà ở khang trang. Chị nói: “Năm 2014, được Hội Phụ nữ xã tín chấp và Ngân hàng huyện giúp đỡ, tôi sử dụng 45 triệu đồng từ nguồn vốn cho hộ nghèo và hộ DTTS đặc biệt khó khăn xây chuồng trại chắc chắn nuôi heo nái và mua bò vỗ béo. Sau 8 tháng, heo mẹ đẻ con, con bò béo khỏe xuất bán lời hơn 20 triệu đồng. Dự định trong thời gian tới, gia đình tôi vay thêm để phát triển chăn nuôi gia súc, trồng rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa”.

Xã Châu Hưng (huyện Thạnh Trị) có gần 49% dân số là đồng bào Khmer, trước đây đa phần là hộ Khmer nghèo và cận nghèo. Thời gian qua, nhờ các chính sách tín dụng ưu đãi, xã đã tập trung hỗ trợ bà con Khmer phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội.Chị Sơn Thị Ngọc Hạnh chăm sóc bò từ nguồn vốn vay NHCSXH.
Phó chủ tịch UBND xã Châu Hưng - Nguyễn Thị Hồng Như, cho biết: “Để nguồn vốn vay ưu đãi được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, xã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể khảo sát bảo đảm đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng vốn vay. Đồng thời, phối hợp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, dịch bệnh cho vật nuôi; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con học hỏi”.

Ông Dương Đình Lạng - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Hơn 10 năm qua, đồng bào DTTS được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH, cụ thể có 52.554 hộ người Khmer, Hoa đang còn dư nợ, chiếm 33,6% số hộ dư nợ tại 109 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với số tiền trên 100 tỉ đồng.

Phương Nghi