Báo CCB Việt Nam nhận được thư yêu cầu của bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH khóa XIII đề ngày 13-12-2011. Trong thư, bà viết: Ngày 26-11-2011, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông báo kết luận chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với giới truyền thông báo chí là các nội dung báo đăng là chưa đúng. “Báo CCB Việt Nam đăng bài vu khống và sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân tôi và uy tín chung của toàn thể ĐBQH khóa XIII cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Trước khi trả lời thư yêu cầu của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Báo CCB Việt Nam xin nói rõ hai điểm như sau. Một là, ngay từ đầu bức thư bà Yến đã viết sai sự thật. Ngày 26-11-2011, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội họp báo về kết quả kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII chứ không phải là “Thông báo kết luận chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả xác minh làm rõ về nhân thân bà Yến”. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ trả lời câu hỏi của PV về vấn đề bà Yến mà thôi, còn kết luận về vụ việc liên quan đến bà Yến sẽ được công bố trước ngày 31-12-2011. Hai là, trong thư yêu cầu, bà Yến ngụy biện cho là “Làm mất uy tín một ĐBQH là làm mất uy tín cả Quốc hội, cả cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật”. Vậy phải chăng, các vụ cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, các vụ công dân phạm tội bị bỏ tù, bị tử hình đều làm mất uy tín Đảng, Nhà nước hay các vụ đó chỉ chứng tỏ sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước ta?
Báo CCB Việt Nam nêu việc cần xem xét tư cách ĐBQH của bà Yến là nghiêm túc, có cơ sở, thể hiện trách nhiệm chính trị trước Đảng và Nhà nước, mong muốn góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Báo CCB Việt Nam đăng kiến nghị của công dân, trích dư luận bạn đọc, nêu lên 4 vấn đề về bà Yến: Khai man lý lịch để ứng cử ĐBQH; liên quan đến chuyên án AB98 về đánh cắp bí mật Nhà nước; có biểu hiện dùng tiền lôi kéo mua chuộc cử tri; kinh doanh có nhiều khuất tất.
Trong cuộc làm việc với Đoàn công tác của Ban Công tác ĐBQH do bà Nguyễn Thị Nương, Uỷ viên T.Ư Đảng, Trưởng ban dẫn đầu ngày 30-8-2011, Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam đã nói rõ nhiều vấn đề về bà Đặng Thị Hoàng Yến và thừa nhận trong kiến nghị của bạn đọc đăng báo, Báo CCB Việt Nam có một vài chi tiết không chính xác nhưng những chi tiết này không ảnh hưởng đến bản chất vụ việc. Tổng biên tập cũng khẳng định báo chí phát hiện vấn đề, còn xem xét, kết luận, xử lý là của cơ quan chức năng.
Vậy bà Yến về nhân thân có hoàn toàn trong sạch, có xứng đáng là ĐBQH không?
Tiêu chuẩn quan trọng nhất của ĐBQH là phẩm chất, đạo đức, sự trung thực thì bà Đặng Thị Hoàng Yến không đủ tiêu chuẩn và lẽ đương nhiên chưa xứng đáng là ĐBQH.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến không trung thực, khai man lý lịch
Theo điều tra xác minh của PV thì những năm 1980, bà Đặng Thị Hoàng Yến là đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác ở Văn phòng UBND quận 5, TP Hồ Chí Minh. Một số đảng viên từng công tác với bà Yến thời gian này vẫn còn công tác, có người giữ vị trí lãnh đạo ở TP Hồ Chí Minh. Vậy mà trong lý lịch ứng cử ĐBQH, ở mục ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam (nếu có) bà Yến khai là “không”, ngày chính thức: để trống. Như vậy bà Yến từng là đảng viên nhưng ứng cử ĐBQH với tư cách là người ngoài Đảng. Bà Yến là đảng viên mà bị khai trừ (kỷ luật) hoặc tự ý bỏ sinh hoạt Đảng lại không trung thực khai trong lý lịch là man trá. Chỉ riêng điểm này bà Yến đã không đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND chứ đừng nói đến là ĐBQH. Cũng trong tiểu sử tóm tắt ứng cử ĐBQH khóa XIII, bà Yến cố ý không khai nhiều điểm quan trọng về nhân thân. Trong khi bà Yến khai đầy đủ thời gian còn nhỏ đi học phổ thông, là sinh viên, làm việc ở Văn phòng UBND quận 5, thì giai đoạn quan trọng nhất từ năm 1993 đến nay, bà Yến chỉ khai ngắn gọn: Sáng lập doanh nghiệp riêng để phát triển Tập đoàn Tân Tạo với chức vụ Chủ tịch Tập đoàn. Thực tế thời kỳ này có 4 điểm bà Yến không khai:
-
Bà Yến liên quan đến chuyên án AB98, “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt bí mật Nhà nước trong đấu thầu dự án điện”.
-
Bị cấm xuất cảnh hai năm.
-
Từ năm 2002 đến năm 2007, bà Yến sống ở Mỹ.
-
Lấy chồng là Việt kiều Mỹ, thuộc thành phần bất hảo đã trốn về Mỹ và bị truy nã.
Cũng trong bản tự khai lý lịch này, trong mục quan hệ gia đình khai về cha mẹ và chồng, bà Yến khai: Họ và tên vợ (chồng): Nguyễn Trí Hải. Mất năm 1989. Đây là bản khai ngày 12-3-2011 khi bà Yến còn đang có chồng là Jim-my Trần (Trần Dũng), quốc tịch Mỹ, sinh năm 1955, quê ở Quảng Bình, về Việt Nam chung sống và làm ăn với bà Yến. Jim-my Trần lừa đảo chiếm đoạt 210 tỷ đồng trốn về Mỹ ngày 5-7-2010 (Quyết định truy nã số 324/ANĐT ngày 24-9-2010 của Bộ Công an). Mặc dù người đàn ông này đã được vợ là bà Yến xin ly hôn, TAND Long An xét xử ngày 6-10-2010 nhưng đây là vụ xét xử ra bản án trái pháp luật đã bị Viện KSND Long An kháng nghị, có nghĩa là vào thời điểm tháng 3-2011, bà Yến vẫn có chồng là Jim-my Trần. Tại sao bà Yến không khai người chồng còn sống mà chỉ khai người chồng đã chết cách đây 22 năm? Và ngay cả khi bà Yến được ly hôn (hợp pháp) thì bà Yến cũng phải khai trong lý lịch về người chồng đã ly hôn. Bà Yến ý thức được điều đó nên mới khai về người chồng đã chết cách đây 22 năm. Không khai về người chồng Jim-my Trần là sự man trá “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. ![](/Pictures/anhnam2011/thang12/16den31/ktxh/anh tiec.jpg) Jim my Trần (đang rót rượu) và bà Yến đang tiếp khách Việt Nam tại biệt thự của bà ở thành phố Hu-stơn, Hoa Kỳ
Ảnh: PV Báo CCB Việt Nam
Bà Yến có liên quan đến chuyên án AB98 không?
Qua đơn thư bạn đọc, qua tài liệu và chứng cứ mà Báo CCB Việt Nam có được, qua sự khẳng định của một đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao nhất với Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam ngày 28-7-2011 thì bà Đặng Thị Hoàng Yến có liên quan đến chuyên án AB98, lẽ ra phải bị khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng có sự can thiệp nên mới thoát tội. Trong chuyên án này, bà Yến cùng các cộng sự là Phạm Hữu Hòa (lái xe cho Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Lâm Minh, Nguyễn Duy Bình, lấy cắp nhiều tài liệu mật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp và Tổng công ty điện lực Việt Nam. Ngày 2-3-1998, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can Minh, Bình, Hòa. Riêng bà Yến do có sự can thiệp nên không bị khởi tố nhưng cấm xuất cảnh 2 năm. Sau đó, cũng do có sự can thiệp nên cơ quan ANĐT đình chỉ lệnh cấm xuất cảnh và bà Yến sang Mỹ sống trót lọt tới 5 năm. Ấy thế mà bà Yến trả lời PV báo chí, dám khẳng định: “Tôi chưa bao giờ nhận được tống đạt quyết định khởi tố hay cấm xuất cảnh”. Cũng xin nói thêm, ông Phạm Hữu Hoà (cựu lái xe cho Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư) nhiều năm qua làm việc cho Tập đoàn Tân Tạo, giữ chức vụ giám đốc một công ty thành viên. Dư luận có quyền nghi vấn, bà Yến là một doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh, nếu không tìm cách móc nối để lấy cắp bí mật Nhà nước thì làm gì cần quan hệ với một lái xe ở Hà Nội và nay lại ưu ái cho lái xe này làm Giám đốc trong Tập đoàn Tân Tạo do bà làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc?
Về vụ án ly hôn giữa bà Yến và Jim-my Trần
Đây là vụ ly hôn kỳ quặc, chứa chất nhiều uẩn khúc cần được làm sáng tỏ. Jim-my Trần là kẻ có tội đã bị tòa án Mỹ phạt tù; bà Yến là một “doanh nhân” sang Mỹ làm ăn mà dễ dàng kết hôn với một kẻ bất hảo, nghèo rớt mùng tơi (bà Yến thừa nhận đã từng cho Jim-my Trần hàng triệu đô-la để giữ thể diện cho Jim-my Trần”. Khi về Việt Nam chung sống, làm ăn được vài năm bà đã vội ly hôn. Không cần tìm hiểu sâu, chỉ căn cứ trên đơn xin ly hôn viết tay cẩu thả của bà Yến cũng đủ thấy bà Yến vô trách nhiệm trước pháp luật thế nào. Chuyện vợ chồng đầu gối, tay ấp là cực kỳ hệ trọng mà bà Yến là một doanh nhân, một người có học thức, có kinh nghiệm sống vì đã trải qua một đời chồng mà dễ dàng kết hôn, đơn giản ly hôn, khiến dư luận nghi vấn là bà coi hôn nhân như canh bạc đỏ đen, bất chấp luân thường đạo lý. Với một người quyết định việc hệ trọng của mình mà còn tuỳ tiện như thế, thì thử hỏi cử tri có tin tưởng được người đó thay mặt mình, quyết định công việc hệ trọng quốc gia ở Quốc hội hay không? Cũng xin nói thêm là trong vụ ly hôn này, toàn bộ số tài sản tiền bạc của vợ chồng bà Yến hoàn toàn thuộc về bà Yến, còn chồng bà thì tay trắng cũng là điều phi lý vì khi xử ly hôn, chồng bà đã trốn về Mỹ đem theo số tiền cướp đoạt 210 tỷ đồng để bà Yến phải bỏ ra 160 tỷ đồng đền cho công ty của cô em. Sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, bà Yến sang Mỹ từ ngày 20-8 đến 17-9-2011, phải chăng là để thương thảo với chồng bà là Jim-my Trần về những sai phạm trong vụ án ly hôn và nhiều vấn đề bất minh khác? Cũng qua việc Jim-my Trần chiếm đoạt 210 tỷ đồng, dư luận có quyền đặt nghi vấn về đường dây chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài của vợ chồng bà Yến. Mặt khác, nếu bà Yến không có liên quan gì với Jim-my Trần thì hà cớ gì bà Yến phải bỏ ra số tiền khổng lồ 160 tỷ để đền thay cho Jim-my Trần? Rõ ràng về quan hệ vợ chồng với Jim-my Trần, bà Yến lý giải tiền hậu bất nhất.
Bà Yến có dùng tiền lôi kéo mua chuộc cử tri không?
Trong thời điểm vận động tranh cử, bà Yến tổ chức tri ân cho 1.200 người có công và tặng quà cho hàng trăm cán bộ ở 4 huyện (Thủ Thừa, Đức Hòa, Bến Lức, Đức Huệ) tỉnh Long An, là đơn vị bầu cử số 1 mà bà Yến ứng cử ĐBQH vào ngày 29-4-2011 là hành vi dùng tiền mua chuộc cử tri, vi phạm điều 12 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về bầu cử đại biểu QH và HĐND, không thể coi là việc làm ở thời điểm nhạy cảm, chỉ cần rút kinh nghiệm. Nếu bà Yến vô tư, sao bà Yến không tri ân ở nhiều nơi khác đáng được tri ân hơn, mà lại chỉ chọn tri ân ở nơi bà ứng cử?
Bà Đặng Thị Hoàng Yến còn có nhiều vấn đề cần làm rõ trong đầu tư, kinh doanh như sử dụng đất tại nhiều dự án, việc nợ lớn nhiều đối tác, việc khai lý lịch về khen thưởng như thống kê cả huân chương, bằng khen của Tập đoàn Tân Tạo vào thành tích cá nhân của bà Yến là sự giả dối đáng xấu hổ.
Như vậy, với nhân thân như thế, bà Đặng Thị Hoàng Yến chưa xứng đáng là ĐBQH. Trước đây, ông N.H.P, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội khai man lý lịch, giấu giếm sai phạm đã bị loại ra khỏi Đảng và Quốc hội. Vậy đối với trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến có được xử lý nghiêm minh như thế không? Lẽ ra bà Yến nên thành khẩn thừa nhận sai phạm, xin lỗi cử tri do không biết rõ về nhân thân của bà mà bỏ phiếu nhầm để bà trúng cử ĐBQH thay vì yêu cầu Báo CCB Việt Nam xin lỗi bà.
Báo CCB Việt Nam một lần nữa đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, trước hết là Ban Công tác ĐBQH với trách nhiệm và lương tâm trong sáng, cần xem xét khách quan, nghiêm túc vụ việc về bà Yến để có kết luận chính thức, đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Còn nếu với nhân thân như thế của bà Đặng Thị Hoàng Yến mà khẳng định “Cơ bản không có vấn đề gì” thì chắc chắn không “tâm phục, khẩu phục” đối với cử tri cả nước.
Ban công tác bạn đọc
Báo CCB Việt Nam