Rau sắng
Rau sắng có thể dùng để nấu canh suông hoặc nấu với cá rô, cá quả, thịt nạc, thịt gà, sườn, giò sống hay tôm nõn... rất bổ dưỡng. Nhất là với phụ nữ mới sinh và người mới ốm dậy. Nó còn được coi là một vị thuốc chữa bệnh đường ruột rất tốt.
Thân cây rau sắng

Vừa bổ dưỡng vừa chữa được bệnh nên đồng bào các dân tộc thiểu số mới mệnh danh cho rau sắng là “Bà Chúa” của rau rừng.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người sành ăn, chỉ khi nấu canh suông người ta mới cảm nhận hết những giá trị của thứ rau xanh mọc giữa trời, đất, gió, và núi này. Đun nồi nước sôi, gia chút muối ăn và nếm thấy vừa vặn thì cho nắm lá rau sắng cùng các đọt thân đã rửa sơ vào nước, chờ nước sôi lại rồi bắc ra ngay, không nên nấu nát quá tuy làm nước ngọt hơn nhưng rau lại bã, ăn mất ngon.
Hoa và nụ rau sắng

Không nên bỏ những đọt thân hơi già và không cần dùng mì chính cho món canh này. Những chùm rồng rồng với hoa, nụ và quả non của cây sắng khi nấu canh ăn còn ngon ngọt hơn cả lá non; cùng với những đọt thân non to mập, không chỉ để nấu canh mà xào với thịt bò đã ướp với chút nước mắm và gừng, tỏi cũng rất ngon. Quả sắng hình trứng, dài 2-3cm, chứa một hạt, chín ăn ngọt như mật ong nhưng hơi rát lưỡi. Người ta thường tách vỏ để lấy hạt ninh với xương thành món canh vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng.
Quả rau sắng

Sở dĩ rau sắng ngon ngọt đặc biệt như vậy vì trong thành phần có hàm lượng protít và axid amin cao hơn hẳn các loại rau khác. Trong 100g ăn được của phần chồi và lá tươi chứa: 76,6g nước; 8,2g protein; 10,0g carbohydrat; 3,4g chất xơ; 11,5 mg vitamin C. Giá trị năng lượng khoảng 300 kj/100 g. Riêng lá rau sắng có 82,4% nước; 5,5-6,5% protit; 5,3-5,5% glucid; 2,2% cellulose, có đủ các loại acid min cần thiết cho cơ thể như: lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, threonin, valin, leucin và isoleucin.

Nhưng phải phân biệt loài này với cây sắng đắng: thân cây phân nhiều cành, các cành vươn dài như trườn, lá non có lông trắng (không nhẵn); nhấm ngọt, sau có vị đắng. Ăn nhầm sắng đắng có thể bị say.

Đông Thức