Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung tại AMM-52.

Ngày 30-7, tại lễ kỷ niệm Ngày ASEAN ở trụ sở Liên Hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ - Antonio Guterres nhấn mạnh: ASEAN không chỉ là tổ chức đại diện cho 10 quốc gia Đông Nam Á, mà là một hình mẫu toàn cầu về chủ nghĩa đa phương với truyền thống đối thoại, tôn trọng và tin tưởng giữa các nước thành viên.

Quả vậy, trong quá trình phát triển suốt 52 năm qua, ASEAN đã có được sự tin tưởng của nhiều quốc gia và tổ chức. Nhiều nước cử Đại sứ tại ASEAN và thường xuyên tham dự các cuộc họp giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại để cùng nhau bàn thảo những vấn đề cùng quan tâm. Thế nhưng, trong khi ASEAN nhấn mạnh trên việc hợp tác khu vực trong ba trụ cột về an ninh, văn hoá xã hội và hội nhập kinh tế thì trụ cột an ninh của ASEAN lại phải đối mặt với nhiều thách thức.

Những khó khăn, cả truyền thống và phi truyền thống, trong hợp tác khu vực về an ninh trong những năm gần đây trở thành vấn đề được nhiều nước quan tâm tại các cuộc họp cấp Bộ trưởng ngoại giao (AMM) hay họp thượng đỉnh của ASEAN. Tại AMM-52 ở Bangkok vừa qua, hội nghị dành thời gian trao đổi nhiều về tình hình Biển Đông, vấn đề bán đảo Triều Tiên, tình hình bang Rakhine ở Myanmar, các vấn đề về chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia... Theo Thứ trưởng

Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam: Biển Đông luôn là nội dung được trao đổi tại các Hội nghị ASEAN. Lần này, do tình hình diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đã thu hút sự quan tâm của các nước.

“Nhiều Bộ trưởng thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Tất cả các nước đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mong muốn sớm có được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững” - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng trả lời báo chí sau khi AMM-52 và các hội nghị liên quan kết thúc ở Bangkok.

ASEAN làm việc trên nguyên tắc đồng thuận. Từng từ trong các thông cáo, Tuyên bố chung đều được tất cả các nước thành viên thương lượng, dành nhiều công sức, trên tinh thần thiện chí, xây dựng, hiểu biết, chia sẻ quan tâm của nhau. Có thể thấy rằng, vấn đề quan tâm của một hay nhiều nước trong ASEAN cần được các nước còn lại trong khối hiểu biết để đi đến đồng thuận, nhất trí. Do đó, nhiều Bộ trưởng của các nước thành viên bày tỏ quan điểm về một vấn đề như “quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông” nói lên sự đồng thuận trong ASEAN đã là một thông điệp mạnh mẽ thì ASEAN cũng cần mạnh mẽ, đồng thuận hơn nữa để 10/10 nước thành viên cùng bày tỏ quan ngại, cùng lên án những hành động sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định trong khu vực.

Những thách thức trên con đường phát triển của ASEAN còn nhiều nhưng, theo Tổng thư ký LHQ, ASEAN là “hình mẫu toàn cầu về chủ nghĩa đa phương với truyền thống đối thoại, tôn trọng và tin tưởng giữa các nước thành viên”. Với truyền thống đối thoại, đoàn kết và giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, chắc chắn rằng, ASEAN sẽ đồng thuận hơn nữa để các nước trong khối và khu vực cùng chung hưởng thịnh vượng và hòa bình thực chất.

Ngọc Hưng