Rượu bia ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều cơ quan trong cơ thể.
Uống rượu bia và hút thuốc gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn và thuốc lá, thuốc lào trên thực tế vẫn không giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như sự hiểu biết còn hạn chế, các biện pháp tuyên truyền tác hại của thuốc lá, rượu bia với sức khoẻ con người chưa cao...
Ảnh hưởng của bia rượu tới sức khỏe
Tác hại của lạm dụng rượu bia rất nhiều, chưa kể đến các vụ tai nạn giao thông, ở đây chỉ nói đến góc độ bệnh tật và sức khỏe thì có thể kể ra một vài tác hại chủ yếu như sau:
Đối với gan: Rượu bia là chất gây tổn thương gan đầu tiên và nặng nề nhất. Rượu làm cho gan bị nhiễm mỡ, sau đó xơ hóa và mất dần chức năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, ung thư gan, nhiễm trùng…
Não và thần kinh: Uống rượu thường xuyên có liên quan với trầm cảm, lo âu và nhiều vấn đề tinh thần. Gần 1/3 các ca tự tử là có liên quan đến rượu.
Tăng nguy cơ gây ung thư: Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như vòm họng, thực quản, gan, ruột và ung thư vú. Đặc biệt, người uống rượu lại rất hay kèm hút thuốc, càng làm tăng nguy cơ bệnh tật.
Bệnh lý tim mạch: Cồn là chất độc và có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim. Do vậy khi một người uống rượu, tế bào cơ tim chết, và thay vào đó là mô xơ không có khả năng co bóp. Dẫn đến bệnh cơ tim do rượu, hậu quả là suy tim, loạn nhịp tim và tử vong.
Tăng nguy cơ mắc bệnh thận: Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lên gấp đôi. Thận lọc và thải chất độc ra khỏi dòng máu, rượu làm suy giảm khả năng thực hiện chức năng này của thận.
Tăng nguy cơ loãng xương và bệnh gút: Uống rượu thường xuyên gây loãng xương, làm xương mỏng, yếu và dễ gãy hơn, đồng thời cũng lâu liền hơn nếu bị gãy do cồn trong rượu bia, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tái tạo xương. Rượu bia làm ảnh hưởng chức năng thận, trong đó có chức năng thải trừ axit uric trong máu, làm nảy sinh bệnh gút hoặc bệnh tiến triển nặng hơn.
Ảnh hưởng của thuốc lá
Khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư.
Khi hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Khi đã nói đến hút thuốc lá, người ta thường hay quên mất khái niệm “hút thuốc lá thụ động”, nghĩa là những người không hút thuốc, nhưng hít phải khói thuốc lá. Đôi khi những người này lại gánh chịu hậu quả nặng nề hơn. Người hút thuốc lá không bị chết ngay mà nó ngấm dần vào cơ thể và gây bệnh.
Đức Hải