Hội CCB xã Khánh Bình tổ chức “mâm cơm cúng đồng đội” ở ấp Ông Bích.
Những ngày tháng 7 - Tháng tri ân, trên khắp các địa phương trong tỉnh Cà Mau, nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ diễn ra thật trang trọng và cảm động. Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, CCB và bà con ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời đã cùng nhau làm những việc để ấm lòng người đã ngã xuống. Một việc làm đầy ý nghĩa là “mâm cơm cúng đồng đội” dâng lên tưởng nhớ đồng đội.
“Mâm cơm cúng đồng đội” rất đơn giản, ai có gì góp nấy, có thể góp tiền hoặc sản vật của chính gia đình mình làm ra. Tất cả đề hoàn toàn tự nguyện, thể hiện sự nhiệt thành tuỳ theo điều kiện. Đồng chí Phạm Văn Chiến - Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Bình cho biết: “Khánh Bình có 228 thương binh, 277 liệt sĩ, trong đó có 62 liệt sĩ không tìm được hài cốt. Việc lập bia ghi danh liệt sĩ ở cả 9 ấp trong xã đã đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và các CCB. Hằng năm, từ giữa tháng 7 là các ấp bắt đầu tổ chức lễ cúng, họp mặt ôn lại truyền thống. Việc làm thiết thực này như lời tri ân, xoa dịu nỗi đau người ở lại, ấm lòng những người đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do cho dân tộc”.
Trong không gian phảng phất khói hương, CCB Huỳnh Thị Én (76 tuổi) ở ấp Ông Bích, xã Khánh Bình đau đáu nỗi nhớ thương chồng - là liệt sĩ Nguyễn Văn Trắng và 3 anh em của chồng mình cũng là liệt sĩ. Được giác ngộ cách mạng và tham gia công tác giao liên từ nhỏ, sau đó bà Én về Cục Hậu cần Quân khu 9. CCB Huỳnh Thị Én bùi ngùi: “Chồng tôi hy sinh không tìm được thi thể, 3 anh em của chồng thì mộ phần ở tận miền Đông xa xôi, gia đình không có điều kiện thăm viếng, nên tôi xem tấm bia này như ngôi mộ chung, hằng năm đều cùng đồng đội tổ chức cúng cơm tưởng nhớ. Không mâm cao cỗ đầy, nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của anh em dành cho đồng chí, đồng đội và người thân của mình”.
Được gặp nhau trong không khí đầm ấm, các CCB thường nhắc nhớ những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội. CCB Võ Hồng Hạnh cũng ở ấp Ông Bích, năm nay 68 tuổi kể cho chúng tôi nghe về quá trình tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi của bà với bao lần sự sống, chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Bà công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 9 cho đến ngày giải phóng. Trở về quê, vừa lo sinh kế, vừa tham gia công tác phụ nữ, rồi đến mặt trận ấp và hiện đảm nhận Phó bí thư Chi bộ ấp. Bà Hạnh tự hào kể:
“Người dân ấp Ông Bích có truyền thống đoàn kết lâu đời. Hồi xưa đồn giặc đóng sát bên nhưng bà con vẫn một lòng che chở cán bộ, bộ đội làm nhiệm vụ. Bây giờ thì đồng lòng xây dựng quê hương. Cả 61 hội viên CCB trong ấp luôn ghi nhớ và phát huy truyền thống ấy, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ vì sự phát triển quê hương”.
“Mâm cơm cúng đồng đội” được tổ chức trong không gian ấm cúng, thấm đẫm nghĩa tình. Đây cũng là dịp các CCB hội ngộ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hình ảnh thiêng liêng, cảm động này bao giờ cũng là tâm điểm của làng quê trong Tháng tri ân những anh hùng liệt sĩ. Đồng chí Phan Minh Hoàng - Chủ tịch Hội CCB huyện Trần Văn Thời cho biết: “Tinh thần tương thân tương ái, tri ân dành cho đồng chí, đồng đội mình bằng cả tấm lòng qua những việc làm cụ thể, thiết thực như việc cúng mâm cơm đồng đội càng khẳng định nghĩa tình và những phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất ấy luôn được phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương, tô thêm bức tranh ấm đậm nghĩa tình đồng đội”.
Phương Nghi