Nhìn lại Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Nhà nước ta, đến các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị đều thấy hô hào thực hành tiết kiệm, phải chống tham nhũng, lãng phí. Trong các kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng lên án gay gắt tệ tiêu pha lãng phí, tham nhũng hiện nay. Nhưng, những hiện tượng đó chẳng những không giảm, mà ngày càng phát triển rộng hơn.

Dễ nhìn thấy nhất là lãng phí đó bây giờ không chỉ trong ăn uống, tiêu xài mà cả trong việc sử dụng đất đai, vật tư, phương tiện đi lại... Khi được trang bị nhiều phương tiện hiện đại như ô tô đời mới, máy móc cao cấp..., nếu không có ý thức tiết kiệm thì mức độ lãng phí sẽ rất to lớn. Không những thế, một số cơ quan, đơn vị đã có hiện tượng sử dụng những nguồn vốn hiếm hoi cho việc xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị đắt tiền, đua nhau các hoạt động phô trương, hình thức... vẫn còn rất nặng nề. Vấn đề tiết kiệm đã được Chính phủ đặt ra tại bàn nghị sự trong các kỳ họp Quốc hội; được các đại biểu Quốc hội tranh luận thẳng thắn, đồng tình đề ra những biện pháp cứng rắn để triệt tiêu, nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để tệ nạn này.

Trong những năm qua, các cơ quan, ban ngành T.Ư, địa phương đã phát động trong toàn thể cán bộ công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; nghe giới thiệu nội dung từng chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm, quán triệt và chú trọng tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác, nêu gương sáng trong phong cách làm việc; đồng thời, có tinh thần tiết kiệm và đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, lãng phí và phòng, chống tham nhũng trong toàn cơ quan và xã hội. Kết quả thực sự đã tạo chuyển biến tích cực, được xã hội đồng thuận và “làm theo”, nhưng cần phải được tuyên truyền, vận động tiến hành thường xuyên, liên tục về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đối với mọi đối tượng trong các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sản xuất kinh doanh.

Rõ ràng, vấn đề tiết kiệm đặt ra trong thời điểm hiện nay là rất cấp thiết khi thị trường vốn, tiền tệ đang trở thành một đòi hỏi bức thiết của đất nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng 4.0. Vấn đề tiết kiệm không phải chỉ cho riêng ai mà cho tất cả mọi người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm”. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền bằng cái trống, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là gò ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”. “Chúng ta phải tiết kiệm thời gian (rút thời gian đối với công việc), chúng ta phải tiết kiệm sức lao động (giảm người đối với việc, để làm việc khác). Chúng ta phải tiết kiệm tiền của (giảm tiền chi cho việc)”.

Tiết kiệm đã trở thành một quốc sách hàng đầu của đất nước. Để thực hành tiết kiệm tốt, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải kiên quyết chống tệ tham nhũng, tệ chi tiêu lãng phí..., vì tiết kiệm mà để cho một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà tham ô, nhũng nhiễu, hối lộ, cố ý làm trái, lãng phí thì cũng chẳng có hiệu quả gì cho đất nước và mang lại lợi ích cho nhân dân.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhất thiết pháp luật của Nhà nước ta phải mạnh tay trừng trị những đối tượng tham ô, nhũng nhiễu, lãng phí... của đất nước, của nhân dân, bởi nói như cụ Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”!

Nguyễn Thanh Hoàng