Dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông dự toán kinh phí 70.000 tỷ đồng, trong đó việc biên soạn CT-SGK dự kiến chi hơn 960 tỷ. Số còn lại chi cho xây dựng cơ sở vật chất trường học, khoảng 35.000 tỷ; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỷ; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí hơn 390 tỷ...

Chúng ta hãy nhìn vấn đề theo một khía cạnh khác: số tiền lớn như thế dự kiến đổ vào giáo dục là một dấu hiệu cho thấy Nhà nước ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc tạo ra những thay đổi có tính cốt lõi cho giáo dục. 70.000 tỉ đồng có lãng phí hay không thì phải nhìn vào chỗ số tiền ấy chi cho những việc gì, dựa trên quan điểm và tầm nhìn như thế nào và đạt được kết quả ra sao. Nếu 70.000 tỉ đồng mà “thay máu” được hệ thống giáo dục, để con em chúng ta được học làm người, để không thầy cô nào phải bán điểm, không học trò nào có thể mua được bằng cấp, để nhà trường không bị thương mại hóa, để không ai phải “tị nạn giáo dục”... thì số tiền ấy không phải là lãng phí.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là Chủ tịch Quỹ hoà bình và phát triển Việt Nam cho rằng: "Nếu bỏ ra 70.000 tỷ đồng mà tạo ra được một hướng chuyển động mới cho cả hệ thống giáo dục, tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ, căn bản và toàn diện, tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước thì cũng không phải là “đắt”. Nhưng tôi e là với cách xây dựng đề án đổi mới giáo dục phổ thông như Bộ vừa công bố thì sẽ không đạt được những mục tiêu to lớn đó."

PGS, TS Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Tiểu học) trả lời phóng vấn một tờ báo đã nói rằng: Việc xây dựng cơ sở vật chất của trường thực ra chúng ta đã và đang làm, trong đó có việc xóa các trường học tranh, tre, nứa lá …bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ… Như vậy số tiền 35 ngàn tỷ có phải sẽ chồng chéo gây lãng phí không. Một điểm đã bất ổn, xem ra các điểm khác có ổn không?

Sau khi dư luận báo chí lên tiếng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đây chỉ là bước sơ thảo còn nghiên cứu sửa chữa. Trong cải cách giáo dục, điều quan trọng nhất là mọi quyết định phải dựa trên chứng cứ khoa học. Không thể “thử và sai”, “vừa làm vừa học” trong giáo dục, vì cái giá phải trả rất đắt. Cái giá phải trả không chỉ là 70.000 tỉ đồng mà có thể còn nhiều hơn nữa. Cái giá phải trả là tương lai của một dân tộc. Cho nên phải cấp bách thực hiện việc nghiên cứu thực tiễn giáo dục và kinh nghiệm quốc tế một cách nghiêm túc, với những chuẩn mực khoa học chặt chẽ, để trả lời những câu hỏi cần phải giải quyết.

Phải thẳng thắn nhìn vào những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục hiện tại, xác định đúng nguyên nhân để sửa từ gốc, nếu không tất cả chỉ là chắp vá, ta vá chỗ này thì hở ra chỗ khác. Ngay cả những vấn đề ở tầm thấp hơn cũng cần dựa trên chứng cứ khoa học để ra quyết định.

Chính sách giáo dục cần dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, chứ không phải cần nghĩ ra các “đề tài nghiên cứu” đủ loại để minh họa cho chính sách.

Dương Sơn