CCB Nguyễn Văn Chính phát biểu khi đón hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Tạc từ NTLS A Sầu A Lưới về quê.

Chiến công diệt giặc dốt và phần thưởng thiêng liêng

Không giống với hình dung của tôi về một thương binh hạng 3/4 ở tuổi 80, CCB thương binh Nguyễn Văn Chính có dáng người nhỏ thó nhưng còn săn chắc lắm. Giọng nói thì vẫn sang sảng. Đặc biệt, trí nhớ của ông rất tốt. Tôi mở đầu bằng câu chuyện về bức ảnh Bác Hồ, có dòng chữ do chính tay Bác viết: “Tặng chiến sĩ diệt dốt” và Bác còn ký tặng. Ông đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Mắt ông Chính sáng lên khi được gợi lại kỷ niệm những năm từ giữa thế kỷ trước. Ông kể:

- Quê tôi ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, năm 1950, tôi theo gia đình tản cư vào Thanh Hóa. Mới hơn 10 tuổi, tôi không biết nhiều. Nhưng cứ nghe người lớn nói là Cụ Hồ kêu gọi toàn dân diệt giặc dốt là tôi hào hứng tham gia dạy chữ, xóa mù...

Mới học lớp 5 nên ông chỉ được làm “trợ giảng” giúp các thầy giáo dạy học. Ông còn được giao cắt giấy thành chữ cái và chữ số để các bà, các cụ dễ hình dung, dễ nhớ.

Hòa bình lập lại năm 1954, cùng gia đình về Hà Nội, ông Chính vẫn rất tích cực dạy chữ ở các lớp bình dân học vụ được tổ chức tại trường Thanh Quan và chùa Hàng Cót. Tối nào ông cũng đến lớp, cần mẫn dạy chữ, dạy số cho các ông, các bà. Học sinh lớp ông tiến bộ rất nhanh.

Tổng kết phong trào thi đua diệt giặc dốt, qua nhiều lần xét duyệt, lựa chọn kỹ càng, ông Chính được công nhận thành tích và được nhận một phần thưởng thật quý giá. Đó là bức ảnh Bác Hồ, có dòng đề tặng và chữ ký của Người. Ông Chính quý trọng và giữ gìn bức ảnh hết sức cẩn thận để bức ảnh vẫn còn nguyên vẹn đến hôm nay.

Trong một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Chính đã khoe về bức ảnh, Đại tướng khen ông và căn dặn, nên tặng bức ảnh quý đó cho Bảo tàng, bởi đó là dấu tích thiêng liêng của một thời toàn dân thi đua diệt giặc dốt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Chính đã tặng bức ảnh quý đó cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, đúng như lời Đại tướng căn dặn. Chiến công “diệt giặc dốt” là khởi đầu cho việc ông khắc ghi và thực hiện lời Bác dạy trên mọi trận tuyến.

Quả bộc phá cuối cùng

Tháng 8-1964, khi đang làm việc ở Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, ông Nguyễn Văn Chính xung phong lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A và tham gia nhiều trận chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Trong chiến dịch Mậu thân 1968, đơn vị của ông Chính được giao nhiệm vụ đột phá mở cửa để tiến công chi khu Cam Lộ, Quảng Trị đúng đêm giao thừa.

Trong chi khu Cam Lộ có một tiểu đoàn quân Mỹ đóng. Hỏa lực chi khu rất mạnh, địch còn bố trí nhiều bãi mìn xen kẽ 10 hàng rào dây thép gai xung quanh nên rất khó tiếp cận. Trung đội phó Trung đội 4 Nguyễn Văn Chính được giao chỉ huy trung đội và đánh quả bộc phá cuối cùng vào lô cốt đầu cầu.

Khi hiệu lệnh nổ súng vừa phát ra, dưới sự yểm trợ của hỏa lực, từng tổ bộc phá của Trung đội 4 lần lượt xông lên điểm hỏa. Các chớp lửa bùng lên, phá toang các hàng rào của địch.

Phải vượt qua 10 hàng rào mà đồng đội đã đánh bộc phá mở cửa để tiếp cận mục tiêu, ông Chính tiến gần sát lô cốt đầu cầu. Nhưng vẫn còn một hàng rào thấp, mới phát hiện ra nên chưa đánh bộc phá. Phải vượt qua mới áp sát để đánh được lô cốt. Trong tình thế vô cùng khẩn thiết, tiểu đội trưởng Phạm Đức Xế và chiến sĩ hỏa lực Nguyễn Văn Hiệp đã lao lên, nằm sấp đè lên hàng rào kẽm gai, tạo thành một cây cầu sống để ông vượt qua. Ôm quả bộc phá 20kg, ông đành giẫm lên lưng hai đồng đội, lao lên. Tiếng nổ xé đất. Chiếc mũ sắt trên đầu ông bị hất tung, xé toạc và nhiều mảnh đạn găm vào đầu. Ông lịm đi rồi không biết gì nữa.

Sau này, nghe mọi người kể lại, Trung đội 4 của ông có 47 anh em thì chỉ còn lại ông và 3 chiến sĩ nuôi quân. Lúc ông bị thương, chiến sĩ Nguyễn Văn Trân, quê Hải Dương đã ôm chặt lấy ông và nói: “Tao sẽ trả thù cho mày”. Vậy mà khi ông bình phục thì Nguyễn Văn Trân đã mãi mãi nằm lại với nơi này. Ông bùi ngùi kể: “Trước trận đánh, tôi đã ôm anh em trong Trung đội mà nói: Sau này, ai còn sống thì nhớ đến thắp cho đồng đội nén hương và chỉ nơi yên nghỉ để gia đình còn tìm”.

Đau đáu nỗi niềm tri ân đồng đội

Để thực hiện lời hứa với đồng đội, ông Chính thành lập Hội Đồng đội Hà Nội với mục đích tìm và đưa nhiều hài cốt liệt sĩ về quê. Trụ sở Hội tại nhà ông - căn phòng 20m2 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Ông cũng là người thực hiện hàng trăm chuyến vào chiến trường xưa để tìm hài cốt liệt sĩ. Còn đó những mảnh đạn trong đầu. Đã hai lần, ông bị ốm giữa chuyến đi, phải đưa gấp ra Hà Nội cấp cứu. Nhớ lại chuyến cùng ông Chính đi tìm hài cốt bố chồng mình là liệt sĩ Đỗ Văn Tạc ở nghĩa trang A Sầu A Lưới, bà Nguyễn Thị Bích Liên, ở 10/37 đường Cù Chính Lan, TP Nam Định nghẹn ngào:  

- Đoàn chúng tôi đi rất vất vả lắm, cây cối um tùm, đầy rắn rết. Có lúc phải vượt suối sâu ngập đầu người, chúng tôi phải đu cành cây để vượt sang bờ bên kia. Là người già nhất đoàn, bác Chính cũng bám cành cây đu qua.

Còn ông Hoàng Văn Vóc ở Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội là anh trai của liệt sĩ Hoàng Văn Vách kể với chúng tôi lần ông Chính cùng Hội Đồng đội đi tìm phần mộ em trai mình, ông Vóc nói: “Nhờ tâm đức của đồng đội, nhất là ông Chính, mà tôi tìm được người em hy sinh”.

Có một điều mà ông Vóc, bà Liên hay những người chúng tôi gặp đều quý ông Chính và Hội Đồng đội Hà Nội ở chỗ: Các ông không nhận tiền của bất cứ ai. Hội viên đi tìm hài cốt liệt sĩ đều tự nguyện, chi phí tự lo. Mỗi chuyến đi đều cử một người quản lý chi tiêu, ghi đủ từ bữa ăn, nước uống... Xong chuyến đi, cộng lại rồi chia đều để từng người đóng góp.

Ông đặc biệt trân trọng khi khẳng định, chính lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã luôn khích lệ ông. Đọc hết một đoạn nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tâm sự: Khi nghe tin Bác mất, cùng với đau buồn vô hạn, tôi không khỏi có chút lo lắng. Nhưng được đọc Di chúc của Người, rồi nghe đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đảng đọc Lời điếu trong lễ tang Người, cùng những tiếng hô “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” vang dậy, niềm tin trong tôi lại thêm mãnh liệt. Lời Bác luôn tiếp thêm sức mạnh cho tôi trên mỗi chặng đường.

Vũ Quang Huy