CCB Đặng Ngọc Hiệp tại chốt trực “Tổ tự quản PCCC” thị trấn Lạc Dương.
“Tổ tự quản phòng cháy chữa cháy (PCCC)” của thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) được đánh giá cao về phương thức và hiệu quả. Người sáng lập mô hình là một CCB có tinh thần nghĩa hiệp, hết mình vì cộng đồng.
Thị trấn Lạc Dương đang phát triển mạnh kéo theo sự “bùng nổ” về dân cư và các công trình xây dựng. Tuy nhiên, sự phát triển còn mang tính tự phát nên ẩn chứa nhiều hiểm họa, nhất là cháy nổ. Làm sao bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình và người dân khi ý thức PCCC của bà con còn nhiều hạn chế, lực lượng cứu hỏa chuyên trách ở xa, nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập? Là trăn trở của CCB Đặng Ngọc Hiệp, 60 tuổi, ở thị trấn Lạc Dương.
Sau thời gian ấp ủ, tháng 8-2018, mô hình “Tổ tự quản PCCC thị trấn Lạc Dương” gọi tắt là “Mô hình 442” chính thức được thành lập. Trong đó, “bốn tự” là: Tự nguyện, tự xây dựng, tự đầu tư và tự quản lý; “bốn tại” là chỉ huy tại chỗ; con người tại chỗ; phương tiện tại chỗ; học tập tại chỗ; còn “hai không” là: Không sợ hiểm nguy, không đòi thù lao”- CCB Đặng Ngọc Hiệp giải thích.
Mặc dù không ai giao nhưng ông Hiệp đã tự bỏ tiền sắm các trang thiết bị như bình cứu hỏa, quần áo bảo hộ, máy bơm nước... Hễ nơi nào xảy ra cháy nổ là ông tình nguyện có mặt tham gia ứng cứu. Hình ảnh một CCB với tinh thần tình nguyện, lăn xả trong công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn đã khiến mọi người tin yêu và đó cũng là cơ sở để năm 2018, đề án thành lập “Tổ tự quản PCCC thị trấn Lạc Dương” do ông đề xuất nhận được sự nhất trí, ủng hộ của chính quyền và nhân dân.
Mô hình 442 hiện có 45 thành viên, gồm những người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, tổ trưởng dân phố, cán bộ nhà nước, thành viên các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thanh niên, y tế, CCB, thanh niên, trung niên có sức khỏe, nhiệt tình. Để có trang thiết bị phục vụ hoạt động, tổ bỏ tiền mua sắm một xe địa hình; cải tạo nâng cấp 1 xe U-oat thành xe chuyên dụng PCCC; một máy chiếu phục vụ công tác tuyên truyền; 4 bình chữa cháy loại 35kg; 5 mặt nạ phòng chống hơi độc; 4 áo giáp chống va đập, cản mảnh vỡ; mũ sắt chống chấn động; giày chống vật nhọn; máy phát điện; 1 thiết bị bay điều khiển từ xa có gắn camera để xác định quy mô vụ cháy từ trên cao và phục vụ cứu nạn, cứu hộ cùng các trang thiết bị như quần áo chống cháy, hệ thống loa, còi; đèn chiếu sáng, vòi phun nước; phao cứu sinh, tời, rìu, búa, kiềm cộng lực, máy bộ đàm... Tổng giá trị đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, riêng gia đình CCB Đặng Ngọc Hiệp góp khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài thiết bị tự mua sắm, đội còn nhận được sự ủng hộ của chính quyền và các cơ quan chức năng, giúp hoạt động của đội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Từ khi thành lập đến nay, Mô hình 442 thị trấn Lạc Dương đã phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh kịp thời chữa cháy hơn 10 vụ cháy nổ, điển hình: Vụ chữa cháy đường dây tải điện tại tổ dân phố B’Nơ B; kịp thời khống chế thành công vụ cháy nhà dân tại tổ dân phố B’Nơ A... Tổ cũng thực hiện thành công 8 cuộc cứu nạn, cứu hộ; tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền phòng chống cháy nổ...
“Tổ tự quản PCCC” trở thành điểm sáng trong phong trào “Vì an ninh tổ quốc” nhờ tinh thần nghĩa hiệp, tự nguyện vì cộng đồng của CCB Đặng Ngọc Hiệp và các thành viên trong đội. Thiết nghĩ, việc xã hội hóa công tác PCCC như mô hình 442 thị trấn Lạc Dương rất cần thiết và có thể nhân rộng bởi tính nhân văn, thiết thực, hiệu quả của nó. Nhất là khi mà nhiều người còn thờ ơ với “giặc lửa”...
Đình Đông