CCB Nguyễn Mạnh Lừng với bộ đồ nghề làm vàng lưới.

Chứng kiến cảnh những đợt sóng cuốn từng mét đất của người dân, nếu không có biện pháp cấp bách thì không lâu nữa những ngôi nhà ở ven biển này cũng bị sóng cuốn đi, CCB Nguyễn Mạnh Lừng (thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã tự bỏ tiền mua cây phi lao về trồng. Không dừng lại ở đó, ông Lừng còn có công trong việc khôi phục nghề truyền thống ở địa phương.

Đầu tiên, ông làm đê, kè nhưng không có tiền. Chỉ có cách trồng cây gây rừng vừa đỡ kinh phí, vừa bảo vệ được đất canh tác. Nói là làm, được sự ủng hộ của gia đình và đồng ý của chính quyền địa phương, ông lặn lội khắp nơi mua hơn 7.000 cây phi lao giống đưa về trồng trên diện tích hơn 2ha. Tuy nhiên, do trâu bò và sâu bệnh phá hoại, cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, số cây ông trồng bị khô héo rồi chết dần. Bao nhiêu tiền của bỏ ra mất trắng.

Thế nhưng, thất bại không khiến ông nản lòng. Ông Lừng tiếp tục cải tạo một phần diện tích đất gần nhà, vay mượn tiền mua cây con về tự ươm. Hiện rừng phi lao hơn 2ha của vợ chồng ông cao vút, xanh tốt, góp phần chắn cát, bảo vệ đất cho người dân.

Không chỉ tiên phong trong trồng cây chắn sóng, CCB Nguyễn Mạnh Lừng còn dành tâm huyết khôi phục nghề làm vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo của địa phương. Ông tự mày mò nghiên cứu, chế tác ngư cụ phù hợp với nghề làm vàng lưới rùng truyền thống. Sau khi chế tác lưới thành công, ông đi đến từng nhà vận động, thuyết phục lao động nhàn rỗi tham gia nghề làm vàng lưới rùng để đi đánh bắt cá ngoài khơi. Thời gian đầu nhiều người hoài nghi, thế nhưng sau vài chuyến biển, sản lượng đánh bắt ngày càng tăng nên mọi người đến nhờ ông hướng dẫn cách chế tác ngư cụ để ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, nghề làm vàng lưới rùng chỉ đánh bắt ngoài khơi từ tháng 2 đến 5 âm lịch. Ông lại tiếp tục mua lưới về nghiên cứu chế tác công cụ phù hợp là làm vàng lưới rẹo để đánh bắt những loại cá nhỏ ở vùng gần bờ. Sau khi đã khôi phục và phát triển thành công 2 nghề truyền thống, ông Lừng đứng ra thành lập Tổ hợp tác khai thác và chế biến hải sản Bình Minh với 25 thành viên tham gia. Bình quân mỗi năm Tổ hợp tác thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Ông Hoàng Ngọc Thắm - Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Liên cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Nguyễn Mạnh Lừng còn rất năng nổ trong mọi hoạt động xã hội tại địa phương. Ông đã vận động hội viên tham gia tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới. 5 năm liên tục, CCB Nguyễn Mạnh Lừng là điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Khánh Chi