15 năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương và hỗ trợ của Ngân hàng CSXH, khu vực Tây Nguyên đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Thông qua 725 Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, thực hiện cơ chế công khai, thuận tiện cho kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức CT-XH tại địa phương, Ngân hàng CSXH đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách.
Tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên từ khi Ngân hàng CSXH đi vào hoạt động đến hết năm 2017 là 35.650 tỷ đồng, với gần 2,3 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hằng năm tại khu vực Tây Nguyên là 23,4%; vốn tín dụng chính sách đầu tư 15 năm qua đã góp phần giúp 362 nghìn hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho gần 230 nghìn HSSV nghèo được vay vốn đến trường…
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng tại khu vực Tây Nguyên cũng không ngừng được củng cố, nâng cao. Đó là sự vào cuộc đầy quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó nổi lên là vai trò của các cấp Hội CCB Việt Nam trong việc tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS, như: chính sách cho vay người lao động của huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo... và tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH các tỉnh trong khu vực cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, buôn, làng giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn nhanh và hiệu quả hơn.
Với sự hỗ trợ về vốn của Ngân hàng CSXH và quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của các cấp chính quyền địa phương và T.Ư đã giúp người dân vay vốn với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ và ngay gần nơi sinh sống, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay không chính thức, góp phần đưa Tây Nguyên ngày càng phát triển.
Lương Xuân