Đại diện các dự án giới thiệu sản phẩm của mình tại vòng chung kết cuộc thi.
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 4, được phát động từ tháng 5-2018, đã thu hút 159 dự án, ý tưởng tham gia. Các đề tài dự thi đều đáp ứng được tiêu chí theo chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”.
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” nhằm tạo sân chơi cho những người khởi nghiệp, giúp bổ sung những kiến thức, kỹ năng trong việc xây dựng và phát triển, hoàn thiện dự án. Cuộc thi hướng đến phát huy tài nguyên bản địa, người dự thi cần tìm ra những điểm đổi mới sáng tạo, về mặt giá trị mới của sản phẩm; các chủ dự án cần chứng minh được chất lượng, giá bán phù hợp, các ưu thế, năng lực và quan trọng nhất là những giá trị mang lại, ước tính được sản phẩm bán ở thị trường nào, dung lượng thị trường ra sao…
Tại vòng chung kết, Bến Tre dẫn đầu với 7 dự án, Đồng Tháp 5 dự án; 22 dự án còn lại thuộc về các tỉnh, thành khác. Trong số 7 dự án góp mặt ở chung kết của Bến Tre, một số dự án được đánh giá cao, như: “Phát triển du lịch cộng đồng C2T”, Nón xơ dừa... Một số dự án của đồng bào các DTTS được chú ý như: Gia vị “Chẩm chéo” của dân tộc Thái, “Farmstay – Nông nghiệp bền vững cho đồng bào DTTS Đồng Văn” (Hà Giang)... mang đến cuộc thi các sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc Cờ Lao.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc BSA cho biết: Các dự án xuất sắc lọt vào chung kết nhờ có sự vượt trội về cả nội dung lẫn tính thực tế, thực tiễn trong cuộc sống. Sản phẩm của các dự án này đã được thương mại hóa, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, thể hiện rõ mục tiêu và khát vọng vươn xa, nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm. Mỗi dự án đều mang tâm huyết, sự kỳ vọng và truyền tải, giới thiệu được nét đặc trưng, thế mạnh tài nguyên bản địa của từng địa phương.
Sau vòng chung kết, 10 dự án xuất sắc nhất sẽ được giới thiệu tham dự “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST 2018” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11-2018.
Thế Anh