Hàng tháng, hàng năm vẫn mặc quân phục và say mê hát những ca khúc cách mạng, truyền cảm xúc của những giai điệu tự hào quê hương thấm sâu vào lòng người nghe. Sáng tác trên 20 ca khúc, dàn dựng hàng chục điệu múa. Đồng thời, tích cực tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ở tất cả các cấp độ khác nhau, tham gia các cuộc thi Chiến sĩ hát và hát về người chiến sĩ...đạt hàng chục huy chương vàng, bạc các loại, nhiều năm được tặng cờ đơn vị xuất sắc nhất do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa trao tặng. Đó là thành tích rất đáng tự hào của Đội văn nghệ Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa.
Nhạc sĩ Huỳnh Xê, Đội trưởng đội văn nghệ Cựu chiến binh (CCB) nhớ lại: “Ngay sau ngày thành lập Hội CCB tỉnh Khánh Hòa, Thường trực Tỉnh hội đã đặc biệt quan tâm đến việc thành lập đội văn nghệ, qua đó, tập hợp gồm những CCB tâm huyết, từng đem lời ca, tiếng đàn phục vụ bộ đội và nhân dân trong kháng chiến, bây giờ tiếp tục phục vụ cho đồng đội và người mến mộ nghe. Tháng 8-1994, nhạc sĩ Phan Đăng Cương và sau đó là tôi được giao làm đội trưởng và lo tập hợp được 10 anh chị em tâm huyết ban đầu, đến nay là trên 2 chục người, người ít tuổi nhất gần 60, cao nhất gần 80 tuổi. Đây là các thành viên đều đã từng công tác tại các đoàn nghệ thuật có tên tuổi ở các Quân khu, ở đoàn văn công Tây Bắc, Tổng cục hậu cần…có ca sĩ, diễn viên như Bích Thuần (73 tuổi), Kim Huệ (70 tuổi) từng nhiều lần được biểu diễn phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bác Hồ…điều rất mừng là hầu hết các thành viên đã hào hứng tham gia ngay từ những ngày đầu, cùng nhau khắc phục những trở ngại trong gia đình, vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống để gắn bó với đội văn nghệ CCB cho đến hôm nay”.
Cứ vào sáng thứ 7 hàng tuần, bất kể trời nắng hay mưa, các “ông, bà nghệ sĩ’ vẫn vui vẻ đến trụ sở Tỉnh hội CCB để ôn luyện cũng như tập các bài hát, điệu múa mới. Ngoài các ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng truyền thống do đội dàn dựng, còn có hàng chục ca khúc, điệu múa do chính anh chị em trong đội sáng tác, trong đó phải kể đến như ca khúc Tiếng hát CCB Khánh Hòa, Công lý và trái tim…do đội trưởng Huỳnh Xê sáng tác, các điệu múa như múa Thái, Chiều lên bản Thượng…được đánh giá rất cao cả về sáng tác, dàn dựng và trình bày. Họ tập luyện say mê, luôn thể hiện tình đoàn kết, yêu thương đồng đội, đồng nghiệp đúng với phẩm chất truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, không có thù lao, tự trang điểm để lên sân khấu, tự bồi dưỡng cho bản thân sau mỗi lần biểu diễn và luôn coi nhau như anh em trong một nhà.
![](/Portals/0/NEWS_IMAGES/truongban/2014_8/635443012174443273_VN2 (1).JPG)Đại tá Trần Văn Hạnh, Chủ tịch Hội CCB Khánh Hòa rất tâm đắc chia sẻ: “Tỉnh hội ghi nhận và đánh giá cao về những hoạt động của đội văn nghệ CCB, đặc biệt là sau những lần phục vụ các hội nghị do Trung ương hội tổ chức tại Khánh Hòa. Nhiều đồng chí lãnh đạo của trung ương cũng như các địa phương về dự không tiếc lời gọi đây là Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, bởi lời ca, tiếng đàn, điệu múa làm say lòng người, họ càng ngạc nhiên hơn khi biết đội đã hoạt động tròn 20 năm và hoàn toàn tự nguyện tập luyện để giữ cho tiếng hát của mình mãi xanh. Được biết, cả nước rất ít địa phương có được đội văn nghệ rất “chuyên nghiệp” như Khánh Hòa”.
20 năm là cả một chặng đường dài, bởi theo quy luật, độ tuổi cứ cao lên thì tiếng ca, điệu múa lại giảm xuống…thế nhưng các thành viên trong đội vẫn miệt mài ca vang “khúc quân hành”. Cùng với những bài ca đi cùng năm tháng, những người nghệ sĩ già của đội văn nghệ CCB Khánh Hòa vẫn năm tháng say mê tập luyện để phục vụ đồng đội mình và đông đảo người mến mộ. Với tôi, có rất nhiều bài ca, điệu múa mỗi lần xem đội biểu diễn gây xúc động trong tôi. Xin được trích đoạn trong bài hát Đồng đội, thay cho lời kết: “Đồng đội ơi, ta về với nhau, ta trở về đây một thời oanh liệt, như năm xưa ta vừa mới bên nhau, mười tám đôi mươi trời xanh biếc trên đầu…”.
Công Thi