Thương binh Hàn Quốc Lượng và Nguyễn Hưng Tạo ở khu đất được cấp làm kinh tế phụ nhưng chưa có chủ quyền.
Đã 19 năm nay, 11 thương binh ở phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, vẫn ngày ngày đến các cơ quan công quyền để tìm câu trả lời về quyền sử dụng 4.400m2 đất mà họ đã được Quân đoàn 4 - Bộ Quốc phòng giao để làm kinh tế gia đình.
Mập mờ trong công tác quản lý đất đai
Ngày 22-6-1996, 11 thương binh thuộc Quân đoàn 4 được Tư lệnh Quân đoàn ra Quyết định số 1856/QĐ giao cho khu đất từ km1709 - 1709+600 là đất ao hồ để làm kinh tế phụ gia đình. Có quyết định giao đất, số thương binh này đầu tư san lấp mặt bằng và làm hàng rào kẽm gai, trồng cột bê-tông để bảo vệ hoa màu, sau đó mua cây giống để canh tác nông nghiệp.
Đến năm 1998, Xí nghiệp Quản lý Đường sắt Sài Gòn (Xí nghiệp QLĐSSG) tự ý xây tường rào bao chiếm hết phần đất nêu trên. Về việc này, phía Quân đoàn 4 chỉ đồng ý cho bên Đường sắt xây tường bảo vệ hành lang an toàn, cách mép ngoài đường ray 5,6m, nhưng trên thực tế tường bao lại được dựng lên cách mép ngoài đường ray 18-20m.
Trước sự việc này, 11 thương binh có đơn gửi Quân đoàn 4 và Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã nhiều lần làm việc với Xí nghiệp QLĐSSG về hành vi xây dựng tường rào là trái Nghị định 39/CP về phạm vi hành lang an toàn đường sắt; yêu cầu tháo dỡ tường rào, trả lại đất cho thương binh. Khi đó, Xí nghiệp QLĐSSG lại lấy lý do diện tích đất này nằm trong hành lang an toàn đường sắt và diện tích đất 4.400m2 đã được UBND tỉnh Sông Bé giao cho Liên hiệp xí nghiệp Vận tải đường sắt III quản lý; bị chồng lấn với đất do Quân đoàn 4 quản lý theo Quyết định số 22/QĐ-UB.
Tuy nhiên, đến ngày 23-5-2006, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 2145/QĐ-UBND thu hồi đất của Ngành Đường sắt để làm khu công nghiệp Sóng Thần. Mặc dù, Xí nghiệp QLĐSSG vẫn cố ý cho rằng diện tích đất 7.000m2 (trong đó có 4.400m2 nêu trên) của Quân đoàn 4 là đất của ngành Đường sắt được giao. Nhưng do sự kiên quyết của Quân đoàn 4 nên ngày 17-8-2010, Công ty Đường sắt Sài Gòn đã ra Văn bản số 301/CV/ĐSSG giao trả lại Quân đoàn 4 toàn bộ diện tích hơn 7.000m2 đất có sự chồng lấn nêu trên, kèm theo sơ đồ giao đất.
Sau khi nhận bàn giao, 11 thương binh được tiếp tục sử dụng diện tích đất nêu trên và dựng chòi, xây nhà tạm để làm kinh tế phụ; nhưng Xí nghiệp QLĐSSG sắt đã báo chính quyền địa phương đến phạt “vi phạm” và đình chỉ xây dựng, dựng nhà chòi, trong khi diện tích đất này Quân đoàn 4 chưa có văn bản giao lại cho địa phương quản lý.
Trước tình hình đó, Quân đoàn 4 có công văn yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương giải quyết. Tại báo cáo số 3179/STNMC-CCQLĐĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã nêu: Phần diện tích chồng lấn đã được Quân đoàn 4 phản ánh và được giải quyết tại văn bản số 18/TB-ĐĐ ngày 10-11-1994 của Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Sông Bé về việc giải quyết khi tranh chấp ga hàng hóa An Bình - Quân đoàn 4. Diện tích đất 4.400m2, Quân đoàn 4 đã giao cho 11 thương binh và năm 2001, Xí nghiệp QLĐSSG đã xây tường rào chiếm trọn đất của các thương binh.
Sau này, Quân đoàn 4 mới nhất trí bàn giao về cho địa phương để xây dựng khu công nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại Công văn 602/UBND-KTN ngày 15-3-2011, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận, thống nhất thu hồi diện tích đất 4.400m2 giao UBND thị xã Dĩ An hướng dẫn cho 11 thương binh làm thủ tục nhận giao đất, cho thuê đất.
Tuy nhiên, không rõ có sự “thoả thuận” nào giữa UBND tỉnh Bình Dương và ngành Đường sắt mà đến ngày 8-7-2013, UBND tỉnh Bình Dương và ngành Đường sắt lại thống nhất là: UBND tỉnh tạm giao diện tích đất 4.400m2 nêu trên cho ngành Đường sắt. Mặc dù cho đến ngày 26-11-2014, Kết luận số 2868/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ vẫn nêu: Việc mở rộng ga An Bình vẫn chưa có dự án, quy hoạch, chưa có bản đồ chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã giao cho ngành Đường sắt.
Do đó, toàn bộ hoa màu, tiền thuê san lấp mặt bằng ao, trũng trước đây, các cọc bê tông, hàng rào kẽm gai… của 11 thương binh, bị phía Đường sắt phá bỏ từ năm 2001 không được bồi thường, toàn bộ đất đai không được đền bù hoặc tái định cư. Việc làm này gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn cho 11 thương binh.
Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương vẫn áp dụng Kết luận Thanh tra số 2868/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ; mặc dù Kết luận này không có nội dung công nhận việc Ủy ban tỉnh giao đất cho ngành Đường sắt là đúng quy định. UBND tỉnh Bình Dương chỉ yêu cầu phía Đường sắt hỗ trợ cho thương binh là trái văn bản 377/TTCP-C.III: tại Kết luận Thanh tra số 2686/KL-TTCP, Thanh tra Chính Phủ không chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi đất của các thương binh mà do UBND tỉnh Bình Dương đã tự giao đất thương binh cho Ngành Đường sắt.
Một khu đất giao 3 lần
Văn bản thứ nhất: Biên bản đối thoại giữa thương binh và 7 vị đại diện cho 7 cơ quan của Quân đoàn 4, nội dung nêu: Từ nay Quân đoàn 4 chấm dứt quyền quản lý khu đất này; công nhận và nhất trí việc Tư lệnh Quân đoàn 4 trước đây đã giao đất cho 11 hộ chính sách.
Văn bản thứ 2: Báo cáo số 3179/STNMC-CCQLĐĐ ngày 19-10-2011 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh gửi UBND tỉnh Bình Dương, nội dung nêu: “Đến năm 1996, qua rà soát đất quốc phòng, Quân đoàn 4 đã không đưa khu đất này vào đất quốc phòng vì lý do đã bàn giao về cho địa phương để xây dựng khu công nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.… Tại Công văn 602/UBND-KTN ngày 15-3-2011, UBND tỉnh đã chấp thuận, thống nhất thu hồi diện tích đất 4.400m2... giao về cho UBND thị xã Dĩ An hướng dẫn các hộ gia đình thương binh lập thủ tục thuê đất theo quy định…”.
Văn bản thứ 3, số 264/BTL-TTr: Khi được hỏi đất của thương binh được giao dọc đường số 2 hiện Quân đoàn 4 quản lý hay địa phương là UBND tỉnh Bình Dương quản lý, Tư lệnh Quân đoàn 4 - Thiếu tướng Nguyễn Đình Tâm trả lời: “Số diện tích đất nói trên Quân đoàn 4 không quản lý nữa mà đất địa phương quản lý”.
Văn bản thứ 4 và thứ 5: Thanh tra Bộ Quốc Phòng vào Bình Dương điều tra, xác minh và tham mưu ra văn bản số 91919/BQP-TM (văn bản thứ 5) chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao khu đất cho UBND tỉnh Bình Dương một lần nữa.
Như vậy một thửa đất mà có tới 3 lần được giao cho tỉnh Bình Dương quản lý.
Nhiều quyết định - ít có câu trả lời thỏa đáng
Tiếp xúc với chúng tôi tại khu đất được cấp làm nơi để làm kinh tế gia đình, các thương binh không giấu được bức xúc, bởi các cấp có thẩm quyền đã ra quá nhiều quyết định, mà vẫn không giải quyết được vấn đề. Để rồi sau mỗi quyết định hay kết luận thì các những thương binh này lại tiếp tục gửi kiến nghị lên cấp cao hơn.
Ông Nguyễn Hưng Tạo - đại diện cho 11 thương binh cho biết: Đất đai là quyền sở hữu của toàn dân, nếu Nhà nước thật sự muốn thu hồi khu đất này để phục vụ cho lợi ích của đất nước thì các ông sẵn sàng trả lại cho địa phương. Nhưng nếu vì lợi ích của một bộ phận nào đó thì các ông không thể chấp nhận được. Trong sự việc này, các ông mong muốn được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đền bù thỏa đáng về hoa màu, cột bê-tông, hàng rào kẽm gai, tiền mua đất để san lấp mặt bằng. Nếu Nhà nước trưng dụng khu đất thì cũng tính toán giao cho họ khu đất tương đương để làm kinh tế phụ gia đình.
Đức Trọng